Cây tiêu lại “sốt giống”
Khoảng 2 tháng trở lại đây, khu vực Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng, cây hồ tiêu đang trở thành loại cây trồng chiếm được sự quan tâm đối với người dân, khiến họ đổ xô trồng, bất chấp giá tăng cao cùng những hệ lụy sau này…
Hiện nay, các vườn ươm cây giống trên địa bàn tỉnh đang tập trung đầu tư nhân giống tiêu. |
Khác với những năm trước, các loại giống cây trồng trên thị trường được bán khá đồng đều, ít nổi trội, thì riêng năm nay, giống cây tiêu được người dân tìm mua nhiều nhất, bởi được xem là cây trồng “siêu lợi nhuận”. Tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất cây giống ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột (khu vực xung quanh Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên - Ea Kmat) giống cây tiêu gần như “cháy hàng”. Anh Đức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống ở thôn 1 cho biết: tiêu giống hiện nay có rất nhiều loại, nhưng chủ yếu 3 loại chính là tiêu Vĩnh Linh, tiêu Trâu, Tiêu Sẻ, giá bán bình quân khoảng 8- 9 nghìn/cây; riêng giống tiêu Vĩnh Linh năm trước có giá 3,5 nghìn đồng/cây, thì thời điểm này đã tăng lên 8 nghìn đồng/cây, có nơi bán tới 11- 12 nghìn/cây mà vẫn hết hàng. Theo anh Đức, tiêu là loại cây trồng cần ít công chăm sóc, lại phù hợp với hầu hết các loại đất ở khu vực Tây Nguyên, chỉ sau 3 năm kể từ khi xuống giống là cho thu nhập. Nhận thấy lợi nhuận kinh tế cao của tiêu nên người dân đổ xô tìm mua giống về trồng, theo đó các điểm bán giống cây trồng tại khu vực này lại càng thu hút đông người làm vườn trong, ngoài tỉnh tìm đến. Còn ở những điểm ươm, bán giống cây trồng tại các huyện Ea H’leo, Krông Buk, Buôn Hồ, Buôn Đôn, Cư Kuin… các chủ đại lý, kinh doanh cây giống cũng phải đi “lùng sục” nhiều nơi, thậm chí ra cả tỉnh ngoài để mua tiêu giống về bán, đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của người mua. Anh Trần Văn Ơn, chủ đại lý bán cây giống tại thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo cho biết: anh đã phải ra tận tỉnh Quảng Trị mua tiêu giống về bán với giá 5.000 đồng/cây. Do phí vận chuyển, bảo quản cây cao nên các điểm ở huyện thường bán giá cao hơn tại khu vực TP. Buôn Ma Thuột từ 2 - 3 nghìn đồng/cây giống. Cơn sốt trồng tiêu của người dân đang khiến các vườn ươm giống tự phát có “đất” hoạt động. Nhiều người trồng tiêu mới đến năm thứ hai, thứ ba đã cắt dây tiêu làm giống đem bán, thu lợi ngay, không chờ đến ngày cây cho quả. Điều này kéo theo hệ lụy là nếu như chẳng may mua phải loại giống tiêu nhiễm bệnh, người trồng sẽ không chỉ bị thiệt hại mà còn khiến mầm sâu bệnh có cơ hội lây lan sang những diện tích tiêu xung quanh. Ngoài ra, do không mua được giống tiêu, nhiều đối tượng đã tổ chức đi cắt trộm dây tiêu đang kinh doanh của các hộ gia đình, gây thiệt hại rất lớn. Tại huyện Cư Kuin, Cư M’gar, Krông Buk chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra trên 30 vụ cắt trộm dây tiêu giống, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Việc chạy theo cái lợi trước mắt không tính đến hệ lụy về sau có thể khiến các hộ trồng hồ tiêu đối diện với nhiều nguy cơ về chất lượng sản phẩm không đáp ứng yêu cầu thị trường, lặp lại “điệp khúc” được mùa mất giá v.v… và khi đó, người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất vẫn chính là bà con nông dân. Chưa hết, đây cũng là nỗi lo thường trực của ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương, bởi hiện nay tỉnh vẫn chưa có sự nhất thống quy hoạch khu vực trồng tiêu hiệu quả mỗi địa phương và loại tiêu nào thích hợp để trồng. Chính vì vậy, bà con nên cân nhắc trước khi quyết định đầu tư trồng tiêu, không nên chạy theo phong trào mà bỏ quên những loại cây trồng khác đang cho thu nhập ổn định.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc