Multimedia Đọc Báo in

Đa dạng mặt hàng giống cây trồng

10:02, 20/07/2012

Vào mùa mưa cũng là thời điểm người dân Dak Lak tập trung xuống giống các loại cây trồng lâu năm, cây rừng trồng v.v… Khác với những năm trước, cây giống năm nay đa dạng hơn cả về số lượng và chủng loại, nhưng chất lượng thực tế như thế nào thì người mua vẫn rất khó phân định.

Các thương lái mua cây giống tại TP. Buôn Ma Thuột rồi vận chuyển  về các huyện để bán.
Các thương lái mua cây giống tại TP. Buôn Ma Thuột rồi vận chuyển về các huyện để bán.

Đa dạng giống và giá

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở NN-PTNT Dak Lak: hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 250 cơ sở, điểm kinh doanh cây giống lâu năm các loại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Cùng với đó nhiều cơ sở ươm giống, lai ghép được nhiều loại giống cây khác nhau đã tạo nên sự đa dạng về số lượng và chủng loại cây giống. Dọc tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột (xung quanh Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên - Ea Kmat) có khoảng gần 100 cơ sở bán, ươm giống cây trồng. Đây là khu vực thu hút đông đảo người dân cả trong và ngoài tỉnh có nhu cầu đến mua; nhiều thương lái, chủ đại lý mua với số lượng lớn về bán ở các huyện, thị xã trong tỉnh. Nhìn chung, giống cây trồng năm nay khá đa dạng, các chủ vườn ươm lai ghép được nhiều chủng loại, thành phần giống khác nhau, nên giá cả mỗi loại cây tại các vườn ươm cũng chênh lệch khá lớn và đều cao hơn những năm trước. Đến cơ sở bán và ươm cây giống của anh Đức trên đường Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, khách hàng không khỏi bất ngờ trước khuôn viên vườn ươm rộng cả gần 1ha với rất nhiều loại cây giống khác nhau, từ cây công nghiệp (cà phê, tiêu, điều, ca cao…), cây ăn quả (sầu riêng, bơ,  mít, ổi, cam…) đến cây rừng trồng như muồng, sưa, bạch đàn, thông... Anh Đức cho biết: năm nay anh lai tạo thêm được nhiều loại giống cây mới cho giá trị cao, điển hình như bơ, ngoài các loại bơ tứ quý, sáp, mỡ anh còn lai tạo được các loại bơ sớm vụ, rải vụ, hạt lép; sầu riêng thì có thêm loại hạt lép mới, trái vụ, ra quả quanh năm… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như giá phân bón, đất ươm, mầm cây chủ… tăng cao, nên năm nay các chủ vườn ươm đều đồng loại đẩy giá cây giống tăng cao hơn năm trước từ 5.000-10.000 đồng/cây, theo đó mỗi cơ sở bán giống đều đưa ra giá khác nhau và có độ chênh lệch từ 2.000- 3.000 đồng/cùng loại cây. Tại khu vực TP. Buôn Ma Thuột và một số địa bàn huyện lân cận như Cư M’gar, Cư Kuin thì hiện bơ giống được đại lý bán với giá từ 15.000- 30.000 đồng/cây, sầu riêng từ 20.000-30.000 đồng/cây, cao su 25.000-30.000 đồng/cây, cà phê có giá 10.000-15.000 đồng/cây… Còn tại các huyện, thị xã có khoảng cách về địa lý xa TP. Buôn Ma Thuột hơn thì cây giống được bán giá cao hơn từ 2.000-5.000 đồng/cây, bởi lý do mà các chủ cơ sở đưa ra là: thêm tiền khấu trừ cho chi phí vận chuyển và bảo quản cây giống.

Hãy cẩn trọng!

Sự phong phú, đa dạng về chủng loại cây giống như hiện nay, một mặt đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân được lựa chọn tùy thích, đồng thời góp phần không nhỏ thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những hệ lụy đáng báo động, bởi sự gia tăng ồ ạt các cơ sở bán giống cây trồng đó sẽ phát sinh những điểm ươm, bán giống không đạt chất lượng, cây giống giả… gây thiệt hại kinh tế cho người dân. Trường hợp của ông Lê Văn Hải ở huyện Buôn Đôn là một ví dụ: ba năm trước ông mua 150 cây cà phê giống tại một cơ sở bán cây giống trên địa bàn huyện về trồng nhằm thay thế cho vườn cà phê 1,5 sào đã già cỗi. Lẽ ra, đến nay vườn cà phê này đã ra quả bói, nhưng không hiểu vì sao dù chăm sóc rất kỹ càng, nhưng cây cà phê vẫn còi cọc, chậm phát triển, chưa có trái; thậm chí nhiều cây còn bị chết khô… buộc ông phải chặt bỏ trồng lại. Theo tính toán của ông Hải, chi phí để trồng, chăm sóc diện tích cà phê trên trong 3 năm là gần 20 triệu đồng, vì vậy, trong trường hợp mua, trồng phải giống cây kém chất lượng thì thiệt hại lại càng lớn hơn bởi không có thu hoạch hoặc phải chặt bỏ trồng lại. Hay như trường hợp của gia đình anh Y Sinh ở xã Ea Khăl, huyện Ea H’leo, mua 50 cây bơ giống từ một cơ sở trên thị trấn huyện về, chưa kịp trồng thì 3 ngày sau cây đã bị rụng lá, thối ngọn rồi chết. Nhiều trường hợp mua phải cây giống giả, kém chất lượng khác cũng đành “cắn răng chịu đựng” bởi khi mua hàng, các cơ sở bán cây giống đều không xuất hóa đơn, chứng từ nên người dân không có cơ sở pháp lý để đòi bồi thường.

Mặc dù vậy, việc kiểm tra, xử lý các cơ sở ươm, bán giống kém chất lượng và quản lý về giá cả thì vẫn còn là “một bài toán nan giải” đối với các ngành chức năng trong tỉnh. Theo ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng trồng trọt - Sở NN-PTNT tỉnh: hằng năm, ngành nông nghiệp tỉnh và các đơn vị hữu quan vẫn thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát các cơ sở ươm, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh, song để phát hiện và xử lý thì rất khó bởi khi phát hiện đoàn kiểm tra đến thì nhiều chủ cơ sở thường lấy lý do để trốn tránh. Hay có những cơ sở khai báo mua cây giống từ Viện Ea Kmat, khi kiểm tra hành chính họ cũng xuất trình hóa đơn mua bán thật, nhưng còn về chất lượng cây giống có đúng với đơn hàng trên hay không thì khó kiểm chứng được. Trước tình trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh nhiều lần khuyến cáo bà con nông dân phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc cây giống trước khi mua, chọn những cơ sở cung cấp giống cây được cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cấp phép, được Bộ NN-PTNT công nhận, cơ sở phải có vườn ươm, vườn chồi, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật tư vấn… như Viện Ea Kmat, Trung tâm giống cây trồng - vật nuôi của tỉnh… tránh tình trạng mua phải cây giống kém chất lượng, cây giả để rồi “tiền mất tật mang”.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc