Multimedia Đọc Báo in

Dak Lak và những dấu ấn...

09:42, 27/07/2012

Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị là một chủ trương mang tính chiến lược, có tính bao quát, toàn diện đối với vùng Tây Nguyên. Với nhiều nỗ lực, Dak Lak đã để lại nhiều dấu ấn, tạo đà xây dựng, phấn đấu sớm trở thành vùng kinh tế động lực.

Xây dựng đường giao thông nông thôn tạo diện mạo mới cho các buôn làng.
Xây dựng đường giao thông nông thôn tạo diện mạo mới cho các buôn làng.

“Cú hích” từ các chính sách dân tộc

Toàn tỉnh hiện có khoảng 114.564 hộ đồng bào dân tộc thiểu số - 561.364 khẩu, trong đó có 29.130 hộ nghèo, chiếm 25,42%; gồm 41 thành phần dân tộc, cư trú ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Xuất phát điểm của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thấp nên đời sống của đồng bào gặp  nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai thực hiện. Với tổng kinh phí được đầu tư trong 5 năm 2006 - 2010 trên  360 tỷ đồng, Chương trình 135 đã đầu tư xây dựng được 439 công trình gồm giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn…; hỗ trợ 2.877 con bò, 651 máy phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp; xây dựng 32 mô hình sản xuất… Chính sách trợ giá, trợ cước và hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg triển khai từ năm 2006 hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng và giống vật nuôi cho 35.010 hộ dân tộc thiểu số nghèo tại các xã, buôn thôn đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 50,6 tỷ đồng. Đến hết tháng 4-2010, Dak Lak đã hoàn thành 4 mục tiêu của Chương trình 134. Từ sự hỗ trợ đầu tư  của Chương trình, 15.535 hộ có nhà ở; 5.531 hộ có đất ở với tổng diện tích 144,51ha, bình quân 260m2/hộ; 7.737 hộ có đất sản xuất; 16.059 hộ có nước sinh hoạt. Thực hiện Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg về cho vay vốn sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hơn 2.000 hộ được Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

Có thể khẳng định các chính sách dân tộc đã giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, diện mạo của nhiều vùng quê nghèo cũng đổi thay từ đây.

Dồn sức xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, bộ mặt nông thôn Dak Lak đã thay đổi một cách mạnh mẽ, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.

Một trong những minh chứng rõ nét thể hiện sự quan tâm của các cấp đối với khu vực nông thôn đó là việc phân bổ một phần lớn vốn đầu tư cho khu vực này. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2006-2011, toàn tỉnh đã dành hơn 9.830 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn. Tính ra, mỗi năm, nông thôn được đầu tư hơn 1.638 tỷ đồng – một con số chiếm tỷ lệ khá lớn so với số tổng chi ngân sách mỗi năm của tỉnh. Điểm đáng quan tâm hơn, trong số vốn đầu tư nêu trên, vốn từ ngân sách Nhà nước chiếm gần 47%, kế đến là vốn trái phiếu Chính phủ (37%), vốn ODA (hơn 11%)… Nguồn vốn này đã được đầu tư tập trung vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa. Cụ thể toàn tỉnh nhựa và bê tông hóa gần 320 km đường xã, nâng tỷ lệ đường xã được đầu tư lên gần 29%, đường thôn buôn gần 10%;  xây dựng mới 84 hồ đập, trạm bơm thủy lợi và 155km kênh mương; nâng cấp 45 công trình thủy lợi và gần 30km kênh mương, nâng tổng số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh lên gần 620 công trình, đáp ứng đạt 70% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới. Hệ thống lưới điện cũng đã được đầu tư xây dựng mới hàng nghìn kilômét đường dây cao áp và trung hạ áp, nâng số xã có lưới điện quốc gia lên 100%, số hộ dùng điện lên 95%.

Những bước tiến dài trong ứng dụng kỹ thuật cao

Nhìn lại chặng đường vừa qua, bước đột phá đầu tiên trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật của ngành Y tế tỉnh là triển khai phương pháp chạy thận nhân tạo vào năm 2009. Từ đó đến nay, kỹ thuật này đã cứu sống nhiều ca suy thận cấp sau đa chấn thương, ngộ độc, sốc, giúp nhiều bệnh nhân suy thận mạn được điều trị ngay tại địa phương và tiết kiệm được chi phí đi lại, ăn ở, điều trị. Thành công của chạy thận nhân tạo là tiền đề để ngành Y tế tiếp tục ứng dụng kỹ thuật thay khớp gối bán phần và toàn phần. Đây là một kỹ thuật đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh, vừa không phải đi xa điều trị, lại tiết kiệm được đến trên 50% chi phí (trước đây, người bệnh cần thay khớp gối phải đi TP. Hồ Chí Minh hoặc ra Huế thực hiện với tổng chi phí cho mỗi ca phẫu thuật khoảng 70 triệu đồng, nhưng hiện nay thực hiện tại BVĐK tỉnh chỉ mất chi phí mỗi ca phẫu thuật không quá 30 triệu đồng).

Tiếp đến là kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim tạm thời và vĩnh viễn, kỹ thuật cao điều trị hữu hiệu các rối loạn nhịp tim, từ các rối loạn nhịp chậm đến các rối loạn nhịp nhanh nhằm phòng ngừa đột tử, suy tim tiến triển, tai biến mạch máu não và cải thiện chất lượng cuộc sống… cho người bệnh. Mới đây nhất, kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI), một kỹ thuật công nghệ cao với kinh phí đầu tư gần 40 tỷ đồng đã chính thức được đưa vào sử dụng phục vụ tại địa phương càng khẳng định hơn mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân của ngành y tế tỉnh. Kỹ thuật MRI giúp chẩn đoán sớm, chính xác các bệnh lý thuộc nhiều chuyên khoa, nhất là trong chẩn đoán các bệnh lý thần kinh sọ não, cơ xương khớp, cột sống và tim mạch... Đặc biệt, để giải quyết được “đầu ra” của kỹ thuật MRI, ngành y tế đã và cử cán bộ đi đào tạo ở tuyến trên để có thể làm chủ được các kỹ thuật khó thuộc các chuyên khoa sâu.

Có thể thấy, với việc thường xuyên tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khám chữa bệnh, đến nay, ngành Y tế tỉnh đã làm chủ nhiều kỹ thuật ngoại khoa đứng đầu khu vực Tây Nguyên, qua đó cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo.

Đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS

Đến cuối năm 2009, Dak Lak đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS ở 178/184 xã, phường, thị trấn và hiện 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã được phổ cập giáo dục THCS. Với một tỉnh miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống, việc cán đích đúng hạn là bước tiến dài, một nỗ lực rất đáng ghi nhận.

Riêng từ năm 2009 đến nay, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 tăng từ 97,6% lên 98,43%, tỷ lệ trẻ hoàn thành tiểu học vào lớp 6 trên 99%, trẻ từ 11- 14 tuổi tốt nghiệp tiểu học tăng từ 90,5% lên 92,65%, thanh niên trong độ tuổi 15-18 tốt nghiệp THCS ở hai hệ (thường xuyên và bổ túc) là 84,82% (năm 2009: 82,4%)...  Đó là kết quả của việc Dak Lak đã có nhiều chế  độ, chính sách thích hợp, giúp đỡ học sinh nghèo, động viên giáo viên vùng xa “cắm bản gieo chữ”; có mức chi phù hợp với chương trình mục tiêu quốc gia, cấp phát vở viết, sách giáo khoa miễn phí cho học sinh trong độ tuổi; tổ chức phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, đoàn thể… bảo đảm duy trì sĩ số học sinh đến lớp hàng ngày.

Để duy trì kết quả bền vững của việc phổ cập giáo dục THCS, thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa chương trình phổ cập THCS, nhất là vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh việc mở thêm các lớp học bổ túc THCS; ngành cũng chú trọng nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường, tạo môi trường lành mạnh, thu hút học sinh đến lớp; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và các  đoàn thể, gia đình động viên con, em đến lớp. Ngành giáo dục cũng đẩy mạnh vai trò, hoạt động của các hội khuyến học, có giải pháp giúp đỡ cụ thể, kịp thời với những học sinh khó khăn đưa các em trở lại với trường, lớp.

Đàm Lê Kim Đỗ


Ý kiến bạn đọc