Mùa ớt mọc hoang...
Cứ mỗi độ mùa mưa đến, khi mọi người dân đang bắt đầu chuẩn bị cho vụ ngô, vụ đậu mới, cũng là lúc cây ớt xanh mọc hoang khắp các rẫy cà phê ở khu vực Tây Nguyên. Nhiều người nhờ đó mà có thêm một nghề mưu sinh từ loại ớt này ròng mấy tháng trời, thêm nguồn thu nhập cho gia đình; nhiều em học sinh còn kiếm đủ tiền mua sách vở cho năm học mới… nhờ ớt xanh.
Ớt xanh được bày bán nhiều ở chợ Buôn Ma Thuột. |
Kế sinh nhai của những người nghèo
Do cây ớt mọc hoang, mọc rải rác khắp nơi nên việc đi hái ớt không chộn rộn, đông đúc như những công việc khác. Không ai gọi ai, cứ tầm từ 8 giờ sáng, khi những cây ớt không còn đọng nước trên lá, là lúc các mẹ, các chị và các em nhỏ, mỗi người đi một hướng, bắt đầu cho một ngày mưu sinh. Vào thời kỳ nghỉ hè, đúng dịp ớt vào mùa, 2 mẹ con chị Lý (huyện Krông Pak) lại tranh thủ thời gian đi hái ớt, kiếm tiền trang trải cuộc sống lúc nhàn rỗi. Chị chia sẻ: ớt đầu mùa tuy quả không nhiều, nhưng đổi lại giá bán rất cao, khoảng 40 – 50.000 đồng/kg. Thời điểm này, ớt nhiều lắm, trung bình một buổi 2 mẹ con chị hái được 10 ký (kg), với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg. Lúc nào chăm chỉ, chịu khó đi xa một tí là một ngày mẹ con chị có thể hái được gần 15 kg ớt, bán được khoảng 250.000 đồng (thời điểm giá ớt xuống thấp nhất). Theo chị Lý, việc hái ớt không hề nặng nhọc, nhưng cần có sự khéo léo và kiên trì vì quả ớt nhỏ, lại có màu xanh giống lá nên rất khó hái, công việc này phù hợp với phụ nữ và trẻ em, nhất là các em gái. Hái ớt cũng là niềm vui đối với bé Lan (con chị Lý), tuy mới 12 tuổi, nhưng ngày nào em cũng theo mẹ len theo các rẫy cà phê để hái ớt kiếm tiền. Em kể: buổi đầu tiên đi hái ớt với mẹ, do không dùng bao tay nên khi sơ ý dụi tay vào mắt, cay quá làm em khóc ròng cả buổi. Nhưng từ hôm đó đến giờ, quen với công việc rồi, ngày nào em cũng theo mẹ đi hái ớt, kiếm được mỗi ngày khoảng 30.000 đồng, bỏ vào heo đất, đến đầu năm học đưa cho mẹ mua sách vở. Cũng như em Lan, em Giáp (huyện Cư Kuin), sinh ra trong một gia đình kinh tế khó khăn nên ngoài những buổi theo bố mẹ lên phố phụ hồ, lúc rảnh rỗi em lại tự mình đi hái ớt kiếm tiền. Mặc dù không được nhanh tay như phái nữ, nhưng ngày nào em cũng hái được khoảng 5kg ớt, về bán cho các lái buôn trong thôn. Em khoe, tiền mua sách vở của em hằng năm đều từ tiền bán ớt. Năm nay em kiếm được 1,5 triệu đồng, đủ kinh phí để đứa em trai đi thi đại học ở TP.Hồ Chí Minh.
Món quà mộc mạc từ phố núi
Ớt xanh tự mọc, sinh sôi nảy nở tự nhiên, không dùng hóa chất, nên được nhiều người ưa chuộng. Ớt không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình của người dân Tây Nguyên. Ớt xanh ngon nhất lúc quả đã già, có màu xanh đậm nhưng chưa chín, rất giòn, vị cay vừa phải; còn khi chín, ớt bị mềm, vữa ra sẽ không ngon. Bởi vậy, nhiều người vẫn thường gọi đây là quả ớt xanh. Ớt được chế biến thành nhiều món như: ớt dầm nước mắm, ngâm măng chua, cà đắng nướng dằm ớt xanh của người Ê đê… ớt cũng là nguyên liệu cần thiết đối với các món có mùi tanh như cá kho, lẩu hải sản; là thứ gia vị “chủ chốt” trong đĩa muối dằm ớt chấm cóc, xoài, me, ổi của lứa tuổi ô mai. Anh Vinh (TP.Buôn Ma Thuột) cho hay: trong tủ lạnh nhà anh lúc nào cũng có một hộp ớt xanh còn tươi và một lọ ớt dầm nước mắm. Mỗi lần về huyện chơi anh lại bảo mấy đứa em con ông chú vào rẫy hái túi ớt xanh để mang về.
Ớt xanh cũng là món quà đặc biệt của nương rẫy. Những người ở đồng bằng, mỗi lần có dịp lên Tây Nguyên, ngoài cà phê, ca cao và những trái cây đặc sản như bơ, sầu riêng, họ không quên mang theo vài ký ớt xanh làm quà. Còn nhớ, hồi năm ngoái, tôi có anh bạn ở ngoài Đà Nẵng vào chơi, lúc ra về anh nhờ tôi tìm mua bằng được một ít ớt xanh. Do khi ấy trái mùa nên tìm 3 nơi bán hàng tôi mới mua đủ 2kg ớt cho bạn mình. Đối với người dân phố núi, mỗi lần xa quê, có dịp trở về, họ lại mang theo món quà quê mộc mạc, nhưng rất gần gũi - đó là những túi ớt xanh còn tươi roi rói đem biếu cho bạn bè, người thân của mình.
Không rõ từ đâu và từ khi nào, giống ớt xanh quả nhỏ này xuất hiện ở Tây Nguyên, nhưng những lợi ích mà ớt mang lại vô cùng ý nghĩa trong việc giúp người dân cải thiện đời sống và trên hết, đó là thứ gia vị giòn giòn, cay cay khó quên đối với ai đã từng nếm thử.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc