Ngành điện với nỗ lực cải tạo lưới điện nông thôn
Vào cuối năm 2008, Công ty Điện lực (PC) Dak Lak bắt đầu tiếp nhận mạng lưới điện nông thôn từ các Hợp tác xã điện. Thực trạng chung của hệ thống lưới điện sau bàn giao phần lớn đã xuống cấp, các trạm biến áp trong tình trạng quá tải, vừa mất an toàn vừa gây tổn thất điện năng. Với sự nỗ lực của cán bộ, công nhân trong ngành, PC Dak Lak đã tiến hành đầu tư cải tạo, nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng điện, bảo đảm an toàn lưới điện.
Kéo điện mang nguồn sáng về cho buôn làng. |
Theo số liệu từ PC Dak Lak: từ năm 2009 đến nay đơn vị đã tiếp nhận 933 km đường dây hạ áp với trên 81 nghìn khách hàng từ các Hợp tác xã (HTX) điện trên toàn tỉnh. Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp của các tổ chức quản lý điện nông thôn, PC Dak Lak đã phối hợp với chính quyền các cấp kiện toàn lại bộ máy quản lý, tận dụng các nguồn vốn để từng bước đầu tư cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp, Công ty chỉ tập trung cho những hạng mục ưu tiên như: thay mới toàn bộ công tơ đo đếm điện năng, cải tạo những đường dây đã xuống cấp, đầu tư thêm trạm biến áp để giảm tải... Trong năm 2010, Công ty đã thay thế 32.764 công tơ, đầu tư xây dựng mới 9 trạm biến áp, 214,5 km đường dây hạ thế; sửa chữa 153 km đường dây hạ thế với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng. Năm 2011, công ty chỉ đầu tư sửa chữa 67,5 km đường dây hạ thế với tổng kinh phí 6,9 tỷ đồng. Như vậy, qua gần 3 năm tiếp nhận lưới điện nông thôn từ các HTX, vốn mà ngành điện đầu tư cho việc cải tạo, nâng cấp lưới điện chỉ mới gần 60 tỷ đồng. Việc xây dựng cải tạo mới này cơ bản đảm bảo an toàn lưới điện, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện, hạn chế tối đa thất thoát điện năng. Ông Lê Hoài Nhơn, Phó Giám đốc Kinh doanh PC cho biết: thực trạng của lưới điện sau khi ngành điện tiếp nhận đa phần thiết kế không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, bán kính cấp điện dài, đường dây nhỏ, manh mún nhiều chủng loại, thậm chí có nơi dùng cả dây thép gai để dẫn điện gây mất an toàn, tai nạn khi sử dụng điện. Mạng lưới điện xuống cấp, chất lượng điện vì vậy cũng không bảo đảm, nhất là những nơi cuối nguồn, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất. Những năm qua, sau khi tiếp nhận, ngành điện cũng đã tiến hành khảo sát, lên kế hoạch tái đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện. Việc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa này từng bước nâng cao chất lượng lưới điện hạ áp nông thôn và bảo đảm khoảng cách an toàn, phát quang hành lang lưới điện. Tuy nhiên, với kinh phí quá hạn chế thì việc đầu tư khắc phục chỉ mang tính tạm thời, với phương châm ưu tiên củng cố những điểm xung yếu, gây mất an toàn, nguy cơ tai nạn vì điện cao. Theo kế hoạch, năm 2012, với việc ngành điện đã liên hệ được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết Đức khoảng 5 triệu Euro, sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn với tổng kinh phí dự kiến 210 tỷ đồng. Các hạng mục cụ thể: đầu tư 40 km đường dây trung áp, 120 trạm biến áp; 515 km đường dây hạ thế. Việc đầu tư này một mặt bảo đảm từng bước hoàn thiện lưới điện nông thôn, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện ở nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, mặt khác gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành tiêu chí về điện - một trong những tiêu chí quan trọng của việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn về cho ngành điện quản lý đã đem đến lợi ích thiết thực cho nhân dân, mang lại sự công bằng giữa nông thôn và thành thị trong sử dụng điện. Theo đó, người sử dụng điện không phải nộp thêm một khoản kinh phí nào trong quá trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình và được hưởng giá bán điện theo đúng quy định của Chính phủ... Tuy nhiên, để gắn việc đầu tư, nâng cấp lưới điện nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới như chủ trương ngành điện đề ra: đạt 100% số hộ thường xuyên có điện, thì ngoài nỗ lực của ngành điện trong việc tìm kiếm, tăng cường nguồn vốn đầu tư hoàn thiện mạng lưới điện nông thôn, cần có sự hợp tác, cộng tác của chính quyền địa phương trong vận động nhân dân cùng thực hiện, cũng như hành động của người dân trong thực hành tiết kiệm điện, chung sức chia sẻ những khó khăn với ngành điện, thực hiện tốt phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc