Multimedia Đọc Báo in

Ngành điều: Còn bất ổn khi vẫn quá phụ thuộc vào thị trường nước ngoài

10:42, 13/07/2012

Cũng như nhiều doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản xuất khẩu khác, từ năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp chế biến hạt điều gặp nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh đình trệ.

Thực tế suốt từ cuối năm 2008 đến nay, giá điều liên tục giảm và giữ giá bán thấp. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), bất lợi lớn nhất là hạt điều chỉ “ăn chơi” chứ không phải là thực phẩm chủ lực, khi kinh tế khó khăn người tiêu dùng sẽ cắt giảm. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, bức tranh xuất khẩu của ngành điều cũng không kém phần ảm đạm khi nhà nhập khẩu hạn chế mua hàng và giá bán liên tục giảm.

Từ cuối tháng 9 năm 2011, VINACAS đã có công văn khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu điều cần chấn chỉnh các công đoạn thu mua, chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho các lô hàng xuất khẩu, nhằm hạn chế tình trạng bị khách hàng nước ngoài từ chối nhận hàng vì vấn đề chất lượng. Điều đó cho thấy ngành điều đang ở thế bị động khi khâu tiêu thụ phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài.

Cả nước hiện có hơn 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu điều, trong đó kim ngạch xuất khẩu từ 5 triệu USD trở lên chỉ có 38 doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều chưa có nhà máy chế biến. Chính sự phụ thuộc vào đối tác nước ngoài đã khiến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu điều phải đối mặt với những nguy cơ bị ép giá; số hợp đồng xuất khẩu dài hạn càng ít.

Một nghịch lý nữa, là một quốc gia giữ vị trí số 1 của thế giới về xuất khẩu điều nhân, thế nhưng mỗi năm, ngành điều Việt Nam lại phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để nhập khẩu hơn 50% nguyên liệu điều thô từ nước ngoài.

Đó là hệ quả tất yếu khi diện tích trồng điều đang ngày càng giảm mạnh. Giá cả không ổn định, năng suất thấp, thiếu chính sách hỗ trợ... đã khiến nông dân không còn mặn mà với cây điều. Hiện toàn vùng Tây Nguyên chỉ còn khoảng 80.000 ha điều; trong đó, Dak Lak khoảng 30.000 ha, Dak Nông gần 19.000 ha. Nguồn nguyên liệu thiếu hụt, nhiều nhà máy chế biến hạt điều nhân xuất khẩu ở Tây Nguyên ngưng hoặc hoạt động cầm chừng. 

a
Ngành điều đã bỏ quên thị trường nội địa (Ảnh: Đ.T)  

Ông Lê Trọng Long, Giám đốc Công ty TNHH Hưng An (huyện Ea Kar, Dak Lak) chuyên chế biến, kinh doanh hạt điều xuất khẩu cho biết, rủi ro trong kinh doanh phụ thuộc nhiều vào giá thu mua điều để dự trữ nguyên liệu sản xuất trong cả năm. Cũng như các đơn vị khác, Công ty không thể biết được giá xuất khẩu cuối năm diễn biến như thế nào, nếu như giá thu mua nguyên liệu cao, giá xuất khẩu giảm sẽ bị lỗ. Như những gì ông Long lo lắng, năm 2011 tình trạng trên đã xảy ra. Giá thu mua điều nguyên liệu trong những tháng cuối năm là 35 đến 40 nghìn đồng/kg. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá điều nhân xuất khẩu sang Trung Quốc giảm theo, trong khi đó doanh nghiệp thu mua điều tại Trung Quốc không chuyển tiền ngay như trước, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải chờ từ 10 _ 15 ngày mới nhận được tiền. Để có vốn xoay vòng, Công ty TNHH Hưng An phải vay vốn ngân hàng 15 _ 20 tỷ đồng với lãi suất cao 17 đến 18 %/năm. Riêng lãi phải trả ngân hàng mỗi năm đã từ 1,5  đến 2 tỷ đồng, vì vậy, Công ty bị lỗ khoảng 3 tỷ đồng. Hiện nay, Công ty đang thu mua giá điều nguyên liệu là 25 nghìn đồng/ kg, giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hiện tại là 6,3 USD /kg điều nhân đã chế biến (tương đương 130 nghìn đồng), với giá này lợi nhuận tạm thời chấp nhận được. Dự kiến năm nay, Công ty xuất khẩu 300 tấn điều nhân, nhưng thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn chậm, trong khi lại đòi hỏi chất lượng cao hơn. Nhà máy chế biến hạt điều của Công ty Hưng An thiếu vốn lưu động vẫn tiếp tục vay ngân hàng chưa kể những chi phí đầu vào khác như giá điện, giá thuê nhân công, giá vật tư cũng tăng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, theo đó thu nhập của công nhân bị giảm theo.

Hạt điều Dak Lak nói riêng và Việt Nam nói chung cũng đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới, nhưng sản xuất kinh doanh điều luôn bất ổn. Nguồn điều hiện đang bị thiếu hụt trầm trọng, giá điều lại liên tục giảm. Lâu nay, hầu như tất cả các doanh nghiệp chế biến điều chỉ chú trọng xuất khẩu mà “quên” thị trường nội địa. Với hơn 90% sản phẩm dành cho xuất khẩu, ngành điều hiện nay quá phụ thuộc thị trường nước ngoài. Một khi thị trường thế giới biến động, ngành điều sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, phát triển vùng nguyên liệu và tăng năng suất cho phù hợp để vừa có thể chủ động được nguồn nguyên liệu, vừa tiết kiệm được khoản ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài là vấn đề phải tính toán kỹ. Đối với thị trường xuất khẩu, trước mắt sản phẩm chủ lực vẫn là điều nhân nhưng thiết nghĩ về lâu dài phải từng bước đa dạng hóa sản phẩm; và thị trường nội địa rất quan trọng, cần được quan tâm nhiều hơn, ít nhất là thực hiện được mục tiêu đến năm 2015, tiêu thụ nội địa phải chiếm 10 - 20% tổng sản lượng theo như kế hoạch phát triển của ngành điều.

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.