Multimedia Đọc Báo in

Nghịch lý thị trường vốn: Ngân hàng thừa, doanh nghiệp lại thiếu

08:34, 30/07/2012

Thị trường tiền tệ đã và đang bộc lộ sự bất ổn hiếm thấy, đó là trong khi ngân hàng (NH) dư thừa vốn thì doanh nghiệp (DN) lại thiếu; 6 tháng đầu năm 2012, huy động vốn tăng hơn 25% so với đầu năm nhưng dư nợ cho vay lại giảm 1,5%..

Tín dụng “đóng băng”

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong 6 tháng đầu năm 2012 đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tức tương đương tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 25% so với đầu năm. Xét kết quả huy động theo khối các NH cho thấy: chỉ có NH Chính sách Xã hội có kết quả huy động giảm so với đầu năm, còn lại các khối NH khác, từ NHTM Nhà nước, NHTM cổ phần đến hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đều có sự tăng trưởng khá lớn, có khối tăng xấp xỉ 48% so với đầu năm. Điểm đáng mừng trong công tác huy động vốn là kết quả huy động tiền gửi từ dân cư tăng mạnh, 6 tháng đầu năm đạt hơn 14.130 tỷ đồng, chiếm trên 81% nguồn vốn huy động, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm trước, gần 34% so với đầu năm (tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng). Ngoài ra, tình trạng mất cân đối trong cơ cấu về kỳ hạn gửi tiền đã giảm dần, đến nay tỷ trọng nguồn vốn tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đang chiếm khoảng 9%/tổng nguồn vốn huy động, và đang tiếp tục tăng lên.

NH dư thừa vốn nhưng rất khó khăn trong việc tìm khách hàng tốt để cho vay.                                                                                                    (Ảnh minh họa)
NH dư thừa vốn nhưng rất khó khăn trong việc tìm khách hàng tốt để cho vay. (Ảnh minh họa)

Trái ngược với kết quả huy động, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm lại rất “ì ạch”. Tính đến tháng 6-2012, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 31.363 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, giảm 1,5% so với đầu năm. Nhìn vào số liệu cho thấy: 6 tháng đầu năm 2012 không có một đồng vốn mới nào được bơm ra nền kinh tế, bởi vì, trong khi doanh số cho vay chỉ xấp xỉ 21.600 tỷ đồng thì doanh số thu nợ đã trên 22.000 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng bị “âm” được ngành NH xác định là do hoạt động của DN gặp nhiều khó khăn, thậm chí là đình trệ, nên nhu cầu vay vốn giảm. Mặt khác, các TCTD cũng đang tập trung kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng để hạn chế rủi ro theo chỉ đạo của NHNN nên rất thận trọng trong khâu thẩm định hồ sơ vay vốn. Chỉ có những dự án, phương án sản xuất, kinh doanh được đánh giá thực sự hiệu quả mới được các NH cho vay. Giám đốc một chi nhánh NHTM cổ phần trên địa bàn cho biết: Từ đầu năm đến nay, Chi nhánh đã tiến hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng cán bộ làm công tác tín dụng, nhưng dư nợ vẫn không tăng thêm được, trái lại còn giảm mất gần trăm tỷ đồng. Hiện trên thị trường đang tồn tại một “nghịch lý” là: DN thật sự có uy tín, làm ăn hiệu quả, thuộc đối tượng NH tìm kiếm để cho vay thì đã có nơi vay mượn ổn định, hoặc không muốn mở rộng đầu tư nên chỉ có nhu cầu vay một số vốn lưu động rất nhỏ. Còn phần lớn những DN tự tìm đến NH thì lại không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu, nhất là tình hình tài chính không minh bạch, đang có nợ xấu tại một số TCTD khác, thiếu tài sản bảo đảm tiền vay v.v… Chính những yếu tố này khiến việc tăng trưởng tín dụng rất khó khăn.

Tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN

Những gì đã và đang diễn ra trong những tháng đầu năm cho thấy: vấn đề lớn nhất và đáng quan tâm nhất của nền kinh tế hiện nay chính là tình trạng DN suy kiệt nguồn vốn trong khi NH đóng băng tín dụng. Các chuyên gia tài chính, NH khẳng định, đây là mối nguy từng làm rối ren nhiều nền kinh tế trên thế giới nên chúng ta cần phải nghiêm túc, khẩn trương xem xét một cách kỹ lưỡng để có biện pháp ứng phó.

Có thể nói rằng: hiện nay con đường tiếp cận vốn tín dụng NH của các DN còn quá nhiều trở ngại, nào là đang có nợ xấu, nợ cũ chưa trả nên không thể vay món mới, thiếu tài sản bảo đảm tiền vay… Riêng đối với nợ xấu, tính đến thời điểm này vẫn chưa có một biện pháp xử lý nào mang tính căn cơ. Giải pháp thành lập công ty mua bán nợ xấu, chứng khoán hóa nợ xấu… cũng mới chỉ là ý tưởng, đề xuất. Hiện tại, việc xử lý các khoản nợ xấu chủ yếu thực hiện thông qua việc mua bán nợ của nhau và của cả hệ thống tại 14 NH được NHNN cho phép. Nhưng xét cho cùng, điều này không giải quyết triệt để nợ xấu trong hệ thống NH và DN vì chúng chỉ chuyển dịch từ NH đang thực sự khó khăn sang NH ít khó khăn và giúp một số NH giảm thiểu khả năng mất thanh khoản,  nên cũng không loại được nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản của các NH cũng như DN. Việc cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ cũng chẳng khá hơn, mỗi NH làm một kiểu và rất dè dặt nên không tháo gỡ được khó khăn cho DN….

Do vậy, trong điều kiện chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý nợ xấu thì nên tạm phân doanh nghiệp thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên là những DN tốt, có khả năng phục hồi sản xuất nhưng hàng tồn kho cao. Với nhóm này, NH rất muốn cho họ vay tiếp tục đầu tư sản xuất nhưng vì lãi suất vẫn cao so với kỳ vọng, hàng hóa tồn kho chưa được giải phóng nên họ giãn, hoãn các quyết định vay đầu tư trung, dài hạn, mà chỉ vay vốn lưu động để cầm chừng hoạt động nên cần tiếp tục hạ lãi suất tiền vay và tăng hạn mức tín dụng, thời hạn cho vay để họ mạnh dạn đầu tư trung dài hạn. Nhóm thứ hai là số doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm đa số trong nền kinh tế, tập trung ở khu vực tư nhân, vừa khó khăn do nợ xấu cao, ít tài sản thế chấp, vừa điêu đứng vì không tiêu thụ được sản phẩm. Đối với nhóm này, phải tìm cách làm lành mạnh bảng cân đối tài sản để đưa họ trở về chuẩn mực tín dụng bằng cách UBND tỉnh cần kiến nghị Chính phủ bỏ ra một khoản tiền mua lại nợ xấu của DN. Cùng với việc phân loại DN như trên, UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổng hợp tình hình tồn kho thực tế của các ngành, sản phẩm; các DN đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, giải quyết sản phẩm tồn kho để đề xuất các bộ, ngành Trung ương có giải pháp hỗ trợ.

Trần Sáu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.