Niên vụ cà phê 2012- 2013: Nỗi lo mất mùa
Từ những nguyên nhân thời tiết bất lợi, sâu bệnh hoành hành, độ tuổi khai thác của vườn cây cao… đã khiến năng suất, sản lượng cà phê niên vụ 2012- 2013 của Dak Lak đang đứng trước nguy cơ sụt giảm.
Tăng cường chăm sóc cây cà phê nhằm tránh tình trạng quả rụng non. |
Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA): sản lượng cà phê các tỉnh Tây Nguyên niên vụ 2012- 2013 sẽ giảm khoảng 15% so với niên vụ trước. Điều này đang tạo ra thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp cũng như người trồng cà phê trong vùng, đặc biệt là đối với Dak Lak.
Niên vụ cà phê 2012 - 2013 đang trong thời kỳ ra quả non, được xem là giai đoạn quyết định về năng suất và sản lượng của cây cà phê khi thu hoạch. Tuy nhiên, theo khảo sát của ngành chức năng tỉnh, tỷ lệ đậu quả cà phê hiện giảm so với những niên vụ trước; chưa kể còn xuất hiện tình trạng rụng quả sinh lý cục bộ gây tâm lý lo ngại cho người trồng cà phê. Anh Trần Đình Sơn, trú tại xã Ea M’Doh, huyện Cư M’gar cho biết: gia đình có 2 ha cà phê, theo kinh nghiệm sản xuất loại cây trồng này nhiều năm của anh thì năng suất niên vụ này có thể sẽ giảm từ 15 - 18% so với niên vụ trước. Đây là thực trạng chung của nhiều địa phương trong tỉnh, lúc này bà con đang tăng cường các biện pháp chăm sóc, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật… nhằm hạn chế tỷ lệ rụng quả, tăng cường sức đề kháng cho cây nuôi trái. Không chỉ dừng lại ở đó, tại những vườn cà phê trồng theo mô hình cà phê sạch, bền vững ở các huyện Krông Năng, Krông Buk, Buôn Đôn, Cư M’gar… cũng chung cảnh trên. Ông Nguyễn Văn Cảnh ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng than thở: “Mặc dù vườn cà phê hơn 6 sào của gia đình trồng theo mô hình phát triển cà phê sạch bền vững, năng suất hằng năm đều cao hơn so với việc sản xuất bình thường từ 2- 4 tạ nhân/ha, nhưng niên vụ này xem ra cũng rất kém, quả nhỏ, ít chùm hơn năm ngoái”. Ông lo ngại đến thời điểm thu hoạch cuối niên vụ này, nếu giá cà phê nhân vẫn cứ thấp như các niên vụ trước thì gia đình sẽ lỗ nặng.
Trao đổi với ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN-PTNT Dak Lak, được biết: có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, song nguyên nhân chính là ngay từ giai đoạn cuối niên vụ cà phê 2011 - 2012, khi bà con đang tập trung thu hoạch quả (tỷ lệ hoàn thành đạt khoảng 85%) thì gặp thời tiết bất lợi, xuất hiện mưa phùn rải rác khiến cây cà phê đơm hoa sớm. Đợt hoa này hầu hết đều rụng, không có khả năng đậu quả; đồng thời còn làm cho cây cà phê suy yếu, kiệt sức nên số lượng hoa ra đợt 2 rất ít, quả nhỏ. Thời điểm này lại đang là mùa mưa, độ ẩm cao… đã tạo điều kiện cho mầm sâu bệnh phát sinh phát triển, gây hại cây cà phê. Theo thống kê, nhiều diện tích cà phê trong tỉnh đang phải đối mặt với bệnh rệp sáp hại hoa, quả non (chiếm tỷ lệ từ 8 - 25%) và bệnh rỉ sắt, khô cành… gây hại trên diện rộng. Điều đáng chú ý nữa là đến nay diện tích cà phê già cỗi của Dak Lak có độ tuổi khai thác từ 18 - 25 năm chiếm tỷ lệ cao (trên 50% tổng diện tích cà phê toàn tỉnh), vì thế sản lượng, năng suất giảm dần theo từng niên vụ… Để phát huy hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng cà phê theo hướng lâu dài, hiện Sở NN-PTNT Dak Lak đang thực hiện Đề án Phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với tổng số vốn đầu tư 1.647 tỷ đồng; trong đó vận động người dân thực hiện một số chỉ tiêu như: duy trì diện tích ổn định 150.000 ha, sản lượng bình quân 400.000 tấn/niên vụ.... Tuy nhiên, việc thực hiện đề án này cũng không đơn giản, bởi 85% diện tích cà phê là do người dân tự trồng và quản lý, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nên việc vận động, định hướng giúp bà con theo quy hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh phải kiên trì, không nóng vội theo kiểu “chuyện một sớm một chiều” mà xong.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc