Phát triển cao su ở Ea Súp: Cần theo quy hoạch và gắn với công tác bảo vệ rừng
Vốn là cây trồng thử nghiệm, nhưng cao su ở Ea Súp đang phát triển khá “nóng”, với tổng diện tích cao su của toàn huyện đã lên đến 2.125 ha, chủ yếu là tự phát trong dân, bất chấp những khuyến cáo của chính quyền địa phương. Chưa kể những dự án thực hiện trồng cao su của các doanh nghiệp triển khai trên địa bàn cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh rừng...…
Vườn cao su của Công ty TNHH - XD Gia Huy. |
Cao su tiểu điền phát triển tự phát
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: hai năm trở lại đây, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, các hộ gia đình vẫn ồ ạt trồng mới trên 2.125 ha cao su, tập trung ở các xã Cư M’Lan, Ea Bung, Ia T’mốt; trong đó diện tích cao su do các hộ gia đình tự trồng là 1.361 ha, chiếm 62% tổng diện tích cao su toàn huyện. Đối với diện tích thuộc các dự án do các doanh nghiệp trồng đều được chuyển đổi từ diện tích rừng khộp, đất lâm nghiệp; còn với 1.361 ha diện tích cao su tiểu điền là do người dân tự chuyển đổi diện tích đất nương rẫy trước đây trồng ngô, đậu đỗ các loại hoặc các cây trồng ngắn ngày không hiệu quả... Theo đánh giá chung của ngành nông nghiệp huyện qua các năm theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển cao su: khả năng thích nghi của cây đối với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn ở mức hạn chế, tỷ lệ cây chết trên đơn vị diện tích cao, chi phí đầu tư cao hơn so với các nơi khác. Các hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp có vườn cây cao su ở Ea Súp cho biết: cây cao su được trồng trên đất rừng khộp sinh trưởng ở mức trung bình, chưa phát hiện sâu bệnh cũng như các hiện tượng bất thường khác; một số vườn cây trồng trên tầng đất hữu ích dày, thoát nước tốt, được chăm sóc đúng quy trình thì phát triển tương đối tốt, với chiều cao cây 3- 4,5 m, đường kính gốc đạt 9-15 cm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng, sản lượng mủ đối với những diện tích cao su trồng thử nghiệm đang bắt đầu cho khai thác lần đầu tiên tại huyện Ea Súp cho thấy: sản lượng đạt mức trung bình với 0,1 kg/1 cây. Tuy nhiên, có nhiều vùng trồng trên diện tích bị úng nước nên bị vàng lá, sinh trưởng kém hoặc chết. Khuyến cáo của các nhà khoa học tại các hội thảo về chuyển đổi đất rừng khộp sang trồng cao su cho biết: đất rừng khộp ở huyện Ea Súp chủ yếu là đất xám bạc màu, đất cát pha, tầng đất mỏng, thời tiết lại rất khắc nghiệt, mùa khô thì khô hạn, nắng nóng kéo dài, lượng bốc hơi lớn; mùa mưa thường bị ngập úng, ít thích nghi với các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su. Việc bỏ qua sự khuyến cáo của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng sẽ dẫn đến hậu quả khó lường...
Phức tạp những tranh chấp vùng dự án!
Trên địa bàn huyện Ea Súp hiện có 21 Doanh nghiệp được UBND tỉnh cho phép thuê đất rừng thực hiện các dự án trồng cao su, cây ăn quả, trồng và quản lý bảo vệ rừng… với tổng diện tích gần 18.000 ha. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án từ năm 2009 đến nay, hầu hết các dự án đều bộc lộ những bất cập. Đó là tình trạng tranh chấp đất khá phức tạp diễn ra giữa người dân với doanh nghiệp; tình trạng rừng vùng dự án liên tục bị chặt phá với diện tích từ vài chục đến vài trăm héc-ta. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện trên địa bàn, diện tích rừng thuộc dự án bị phá lên đến hơn 2.000 ha. Hiệu quả từ các dự án mang lại chưa thấy đâu nhưng hậu quả mà các dự án để lại rất đáng lo. Cụ thể: Công ty Cổ phần (CP) Vinamit được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất với tổng diện tích 925,83 ha tại xã Cư M’lan. Mặc dù dự án chưa triển khai thực hiện nhưng diện tích rừng đã bị phá lên đến 569,7 ha; Công ty CP Cao su Tri Đức cũng được UBND tỉnh cho thuê 996,7 ha rừng ở xã Ea Bung để quản lý bảo vệ rừng và trồng cao su, cây ăn quả; đến nay vẫn chưa triển khai ngoài thực địa nhưng hơn 824 ha rừng giao cho DN cũng đã không còn. Hoặc trong số 192,5 ha diện tích đất rừng cho Công ty Cổ phần Sản xuất xây dựng nguyên liệu dệt may Việt Nam được UBND thuê, thì đã có trên 72 ha rừng đã bị phá… Ngay những đơn vị mới có chủ trương đầu tư thì số diện tích rừng bị phá lên đến gần 500 ha. Trước những hệ quả khôn lường, để chấn chỉnh lại hoạt động triển khai đầu tư thực hiện các dự án, UBND tỉnh đã có văn bản đình chỉ và tạm đình chỉ đối với những dự án này. Còn về tình trạng tranh chấp đất đai giữa người dân và doanh nghiệp trên địa bàn cũng diễn ra hết sức phức tạp. Đó là tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép vùng dự án của Doanh nghiệp Tư nhân Phát Đạt kéo dài suốt nhiều năm, UBND huyện Ea Súp đã thành lập đoàn giải quyết tranh chấp, ban hành các quyết định thu hồi đất đối với 17 hộ dân xâm chiếm trái phép trên diện tích được UBND tỉnh giao cho doanh nghiệp thuê. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số hộ không chấp hành, tiếp tục đưa phương tiện, máy móc vào khoan hố để trồng cây công nghiệp; UBND huyện chỉ còn cách hướng dẫn doanh nghiệp này đưa vụ việc trên ra tòa án để giải quyết theo quy định. Trên đất dự án của Công ty TNHH – XD Gia Huy, trong năm 2011 nhiều hộ gia đình ở buôn C. thị trấn Ea Súp đã vào lấn chiếm đất trái phép để đòi hỗ trợ đền bù. Ngoài ra, một số hộ từ các huyện khác đến tự ý dựng chòi, mua bán đất rừng trái phép trong vùng dự án nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
Để phát triển đúng định hướng
Có thể thấy thực trạng phá rừng vùng dự án trồng cao su trên địa bàn Ea Súp trong thời gian qua là rất nghiêm trọng. Những bất cập ấy cho thấy việc giao đất, rừng cho doanh nghiệp một cách tràn lan, thiếu thẩm định, chọn lựa doanh nghiệp có năng lực thực sự và thiếu sự phối hợp giữa chủ rừng với chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến quy trình thẩm định phê duyệt các dự án trồng cao su đều không đảm bảo tính khả thi. Để khắc phục và chấn chỉnh lại đối với các dự án trồng cao su, tại kết luận ngày 27-4-2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Khiết yêu cầu: việc trồng, phát triển cây cao su cũng như thực hiện các dự án nông – lâm nghiệp nói chung triển khai trên địa bàn phải gắn liền với việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Cụ thể: các đơn vị phải tập trung chăm sóc diện tích cao su đã trồng, kiểm tra, đánh giá chặt chẽ khả năng phát triển của vườn cây làm cơ sở để xem xét nhân rộng diện tích trên địa bàn theo quy hoạch. Đây là những diện tích cao su trồng thí điểm nên phải bảo đảm đúng tiến độ, đúng diện tích theo dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài việc kiên quyết xử lý việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND của UBND tỉnh, đồng chí Đinh Văn Khiết cũng yêu cầu địa phương, doanh nghiệp tiến hành rà soát, kiểm kê lại hiện trạng diện tích rừng, xác định thời điểm rừng bị chặt phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, bao chiếm trái phép từ đó có biện pháp xử lý, khắc phục cụ thể. Theo chính quyền địa phương nơi đây, để chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn tiếp tục được triển khai theo đúng quy định, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội, môi trường thì các ngành, các cấp cần tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, phát hiện và xử lý kiên quyết, triệt để, kịp thời đối với những trường hợp vi phạm. Còn đối với diện tích cao su tiểu điền phát triển tự phát trong dân, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo người dân duy trì chăm sóc, theo dõi, không khuyến khích trồng mới.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc