Sức sống mới ở Quảng Điền
Trở lại xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) vào dịp mùa mưa năm nay, chúng tôi chứng kiến nơi đây đã hoàn toàn thay đổi so với hơn 10 năm về trước.
Hồ nuôi ba ba gai của hộ anh Huỳnh Đức Quốc. |
Xã Quảng Điền nằm cách trung tâm huyện Krông Ana hơn 7 km, có 1.612 hộ với 7.175 khẩu, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, một số hộ từ lâu đã biết dựa vào dòng sông mẹ Krông Ana để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt và đánh bắt thủy sản, đem lại nguồn thu không nhỏ. Từ năm 2001 đến nay, nhờ sự đầu tư của Nhà nước thông qua các Chương trình 134, 135 và người dân thay đổi cách thức làm ăn nên cuộc sống ngày càng khởi sắc. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phong trào nuôi ba ba gai, cá trê, cá lóc, trồng nấm sò, nấm mèo... phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, hơn 70% số hộ sắm được xe máy và máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cùng với phát triển kinh tế, nhân dân trên địa bàn còn chú trọng sửa chữa các tuyến đường giao thông nội vùng để phục vụ sinh hoạt và giao thương. Đặc biệt từ khi Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, xã Quảng Điền đã tập trung hoàn thiện các trục đường liên xã; tu bổ, xây dựng nhiều công trình như đường liên thôn nối thôn 1 và 2, thôn 4 và 5; thủy lợi nội đồng của 2 Hợp tác xã Thăng Bình và Điện Bàn phục vụ sản xuất nông nghiệp… Hiện xã Quảng Điền không còn hộ đói, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 14 triệu đồng/năm. Xã đã cơ bản hoàn thành 7/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới…
Đến xã Quảng Điền, chúng tôi được một cán bộ Hội Nông dân xã dẫn đi “mục sở thị” một số mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao. Như hộ anh Huỳnh Đức Quốc (ở thôn 1), người đầu tiên nuôi ba ba gai với quy mô lớn nhất xã. Năm 2002, qua tìm hiểu kỹ thuật nuôi ba ba ở các trang trại trong, ngoài tỉnh và bằng số tiền vốn tích góp được, anh đầu tư xây dựng 4 ao với diện tích 20m2/ao và mua hơn 40 con giống ba ba gai về nuôi thử nghiệm. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nuôi nên vật nuôi chậm lớn, khó bán. Với quyết tâm làm giàu, không nản chí, anh dành nhiều thời gian đọc sách báo và đi tham quan mô hình chăn nuôi ba ba tại các tỉnh miền Tây để tích lũy thêm kinh nghiệm. Trời không phụ lòng người, vượt qua giai đoạn khó khăn anh đã học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích. Từ đó, mỗi đợt bán ba ba thương phẩm và ba ba giống, trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn cung cấp con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc ba ba cho bà con trong xã. Đến nay, toàn xã đã có gần 20 hộ gia đình cũng đang xây dựng mô hình nuôi ba ba gai. Đầu ra cho ba ba thương phẩm theo anh Quốc và một số hộ khác thì các nhà hàng, khách sạn đặt mua với giá cả phải chăng, người nuôi khá yên tâm. Nhiều hộ dân còn trồng nấm mỗi năm cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng. Điển hình như mô hình trồng nấm của hộ anh Đặng Văn Quang (ở đội 8, thôn 1). Anh kể: Qua những lần tham quan mô hình trồng nấm ở nhiều địa phương, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại trồng nấm. Đến nay, trang trại có hơn 40.000 bịch nấm (trong đó có 17.000 bịch nấm mèo), giá bán nấm mèo khoảng 70-90 nghìn đồng/kg, nấm rơm từ 90-100 nghìn đồng/kg, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nghề trồng nấm không vất vả lắm mà mang lại hiệu quả kinh tế cao, lãi suất lớn, thu hoạch đều đặn hằng tháng, dễ phát triển nơi có khí hậu mát mẻ. Vì vậy, người dân hy vọng sẽ được chính quyền quan tâm tạo điều kiện đầu tư nguồn vốn, nhân rộng mô hình và tìm đầu ra ổn định.
Anh Võ Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Điền cho biết: Hiện nay, xã tập trung phát triển nông nghiệp, phát huy thế mạnh của địa phương; tổ chức các lớp tập huấn về khoa học - kỹ thuật, hội thảo đầu bờ để trao đổi kinh nghiệm, tu bổ và xây dựng kênh mương tưới tiêu bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước, kết hợp sự vận động đóng góp của nhân dân, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp... để đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Đó là nhân tố, là tiền đề để xây dựng thành công chương trình nông thôn mới, tạo bước đột phá cho sự phát triển ở một xã thuần nông.
Nguyễn Thế
Ý kiến bạn đọc