Multimedia Đọc Báo in

Trạm cấp nước tập trung xã Ea Kpam (Cư M’gar): Chưa thực sự phát huy hiệu quả

08:33, 30/07/2012

Năm 2009, Trạm cấp nước tập trung xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) được khởi công xây dựng với công suất thiết kế 480 m3/ngày/đêm, tổng nguồn vốn trên 5,2 tỷ đồng do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường (NSH-VSMT) tỉnh làm chủ đầu tư. Đến tháng 12-2011, công trình được đưa vào sử dụng, dự kiến cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho 400 hộ dân của 3 thôn: 2, 8 và Tân Lập (xã Ea Kpam). Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 70 hộ đăng ký kết nối.

Trạm trưởng Bùi Đình Dương kiểm tra quy trình xử lý nguồn nước ở Trạm cấp nước tập trung xã Ea Kpam.
Trạm trưởng Bùi Đình Dương kiểm tra quy trình xử lý nguồn nước ở Trạm cấp nước tập trung xã Ea Kpam.

Vì sao người dân còn thờ ơ với nguồn nước sạch? Anh Bùi Đình Dương, Trưởng Trạm cấp nước tập trung xã Ea Kpam cho biết: “mặc dù cán bộ Phòng Truyền thông của Trung tâm NSH – VSMT tỉnh cùng chính quyền, đoàn thể địa phương đã nhiều lần tổ chức họp dân tuyên truyền về công trình và lợi ích của việc sử dụng nước sạch đối với sức khỏe nhưng vẫn khó thay đổi nhận thức của người dân. Ban đầu một số người cho rằng chi phí đấu nối (1,4 triệu đồng/hộ) cao, nước ở Trạm lại có mùi clo khó chịu, trong khi hầu hết các gia đình đều có sẵn giếng đào nên không cớ gì bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy để đăng ký. Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm và chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức họp dân tuyên truyền, giải thích về quy trình xử lý nguồn nước; mời trưởng, phó các thôn lên TP. Buôn Ma Thuột khảo sát giá vật tư nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện”. Chị Lương Thị Thủy (thôn 8) nhà ở gần Trạm cấp nước tập trung xã nhưng đến nay vẫn chưa đăng ký đấu nối phân trần: “Nhà tôi đã có giếng đào và một bể chứa rộng 4m3  trong khi hệ thống công trình phụ ở xa, nếu kết nối nước sạch lại phải bỏ thêm một khoản tiền mua đường ống dẫn nước ra tận phía sau. Với lại, gia đình tôi đã sử dụng nước giếng mấy chục năm nay có sao đâu! Cứ để công trình hoạt động thêm một thời gian nữa xem việc cấp nước có ổn định không rồi mới tính đến chuyện kết nối”. Gia đình chị Lương Thị Thanh (thôn 8) dù đã đăng ký kết nối nước sạch từ đầu năm 2012 nhưng chủ yếu vẫn dùng nước giếng trong ăn uống, tắm giặt. Chị Thanh cho hay, đến cuối năm gia đình xây nhà mới ở gần chợ sẽ không đào giếng nữa mà đăng ký sử dụng nước sạch cho sinh hoạt hằng ngày. Gần đấy gia đình bà Nguyễn Như Ánh cũng sử dụng song song cả nước giếng và nước của Trạm bởi theo bà Ánh, dùng nước sạch nấu ăn, uống sẽ bảo đảm sức khỏe, còn nước giếng để lau chùi, giặt giũ sẽ đỡ tốn kém hơn nhiều.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Trương Công Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, những hộ dân thuộc khu vực thôn 2, 8 và Tân Lập có nhu cầu sử dụng nước sạch đều được tạo điều kiện vay 4 triệu đồng từ chương trình nước sạch – vệ sinh môi trường của Ngân hàng Chính sách Xã hội để đóng tiền kết nối. Nhưng do công trình đưa vào sử dụng từ cuối năm ngoái là khoảng thời gian thu hoạch cà phê nên nhiều hộ chần chừ vì không muốn việc đào đường ống ảnh hưởng đến sân phơi cà phê. Sau đó, mặc dù Trung tâm và chính quyền địa phương tổ chức truyền thông nhiều lần nhưng các hộ vẫn không nhắc gì đến chuyện đăng ký sử dụng nước sạch nữa. Về sau, người dân tham gia các cuộc họp, tuyên truyền ngày càng ít dần. Để khắc phục tình trạng này, theo ông Thiện, Trung tâm NSH – VSMT tỉnh cần đầu tư thêm kinh phí nâng cấp đường vào trụ sở của Trạm cấp nước tập trung xã Ea Kpam khang trang, sạch đẹp hơn; thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước, xử lý kịp thời tình trạng nước đục ở 1 trong 3 giếng khoan của công trình. UBND xã sẵn sàng phối hợp trong công tác tuyên truyền nhưng Trung tâm cũng cần nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức và tìm ra biện pháp truyền thông hiệu quả hơn.

Việc đầu tư xây dựng Trạm cấp nước tập trung xã Ea Kpam sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong vùng. Vì vậy, ngoài cố gắng, nỗ lực của Trung tâm NSH-VSMT tỉnh và chính quyền địa phương, người dân cũng cần nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen sử dụng nước để công trình phát huy hết công suất, hiệu quả.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.