Xử lý nợ xấu: Cần giải pháp thực tế
Tính đến thời điểm hiện tại, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đã vào khoảng 3,3%/tổng dư nợ, tức tương đương hơn 1.000 tỷ đồng. Nợ xấu đang là tác nhân cản trở việc tiếp cận vốn tín dụng của khách hàng nên cần có biện pháp xử lý hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như mục tiêu đã đặt ra.
Với mục đích tháo gỡ khó khăn cho khách hàng nói chung, doanh nghiệp (DN) nói riêng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD thực hiện cơ cấu, gia hạn nợ. Cụ thể, ngày 24-4-2012, NHNN đã có văn bản yêu cầu các TCTD chủ động phối hợp với khách hàng trong việc rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng. Trên cơ sở kết quả đánh giá khả năng của khách hàng vay và khả năng tài chính của mình, TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định của pháp luật. Trước đó, ngày 23-4-2012, NHNN cũng đã ban hành Quyết định 780 về phân loại đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Theo đó, để phản ánh khách quan khả năng trả nợ của khách hàng trong điều kiện hiện nay, các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ do TCTD đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ được giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại theo quy định trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Đại diện lãnh đạo một số TCTD cho rằng, với những văn bản trên, NHNN chỉ dừng lại ở việc “kêu gọi” các TCTD cần có chính sách giãn nợ, cơ cấu nợ một cách chung chung mà thiếu những hướng dẫn, quy định cụ thể nên rất khó thực hiện. Trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn trì trệ, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được… như hiện nay thì khó NH nào dám khẳng định “hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực” như yêu cầu của NHNN nên còn e dè trong việc thực hiện cơ cấu lại nợ.
Thực tế cho thấy, các TCTD đang trông chờ xử lý nợ xấu qua hình thức NHNN thành lập công ty mua bán nợ, Nhà nước đứng ra mua nợ xấu, khoanh nợ quá hạn. Tuy nhiên, nếu chờ NHNN thành lập công ty mua bán nợ thì thời gian sẽ kéo dài, trong khi việc xử lý nợ quá hạn cần giải quyết càng sớm càng tốt. Nhiều DN đề nghị, trong khi chờ đợi NHNN thành lập công ty mua bán nợ, hiện tại TCTD có thể “cứu” DN bằng cách cho vay vốn đối với DN có nợ quá hạn trên cơ sở xem xét tài sản của DN và mua lại để cấn trừ nợ. Giải pháp này có mặt hạn chế vì TCTD cũng bị khống chế tỷ lệ nhất định trong việc đầu tư, mua tài sản. Một biện pháp khác cũng rất khả thi: nếu DN đang hoạt động tốt, TCTD có thể xem xét chuyển đổi món nợ quá hạn thành cổ phần cho TCTD và tiếp tục cho DN vay thêm để phục hồi sản xuất. Sau đó TCTD cho phép trong thời hạn từ 1-2 năm sau DN có thể mua lại số cổ phần này cộng với lãi suất. Đây cũng là điều kiện để DN chuyển bớt nợ quá hạn.
Trần Sáu
Các TCTD cũng có thể liên kết với nhau để hỗ trợ nhau cùng xử lý nợ xấu. Chẳng hạn, TCTD A có khách hàng AA nợ quá hạn; TCTD B có khách hàng BB nợ quá hạn. Việc xử lý nợ xấu sẽ được thực hiện theo hình thức: TCTD B sẽ cho khách hàng AA vay vốn để trả nợ cho TCTD A. Đồng thời, TCTD A sẽ cho khách hàng BB vay vốn để trả nợ cho TCTD B. Làm được điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên: các TCTD xử lý được nợ xấu; khách hàng có cơ hội vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh bằng những món vay mới.
Ý kiến bạn đọc