Chống hạn giữa mùa mưa: Tìm giải pháp ngoài công tác thủy lợi
Cụm từ “hạn giữa mùa mưa” trong những năm gần đây không còn xa lạ với người dân Dak Lak. Đây cũng chính là nghịch lý gây thiệt hại lớn mà nông dân cũng như ngành nông nghiệp đang phải gánh chịu do tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cho nông dân thì chỉ riêng giải pháp về công tác thủy lợi vẫn là chưa đủ.
Nông dân đang... “đánh bạc” với trời
Có thể thấy tình trạng sản xuất nhờ vào nước trời đã và đang rất phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Có nhiều nguyên nhân, song tâm lý “được ăn cả, ngã về không” của nhiều nông dân đã tạo nên một kiểu sản xuất bấp bênh, thiếu bền vững. Đơn cử như trong vụ hè thu 2012, toàn tỉnh gieo trồng gần 200.000 ha cây trồng các loại, trong đó lúa nước chỉ gần 47.000 ha, còn lại là cây trồng cạn, nhưng điều đáng nói ở đây là mặc dù diện tích nhiều, nhưng nguồn nước bảo đảm tưới tiêu lại không có, hầu hết đều nhờ vào nước trời. Vì vậy, khi thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng kéo dài thì các diện tích trên không có nước tưới, nông dân bất lực nhìn tài sản của mình bị thiêu rụi dưới cái nóng gay gắt. Theo thống kê của Sở NN-PTNT: trong 5 năm (2007-2012), tổng thiệt hại do hạn hán gây ra gần 1.350 tỷ đồng (vụ đông xuân gần 800 tỷ đồng, vụ hè thu gần 550 tỷ đồng). Mỗi năm, bình quân trong vụ hè thu có khoảng 14.572 ha cây trồng bị khô hạn, trong đó mất trắng 4.914 ha, thiệt hại ước tính gần 110 tỷ đồng. Chỉ riêng vụ hè thu 2012, toàn tỉnh có đến 32.782 ha cây trồng bị khô hạn (gồm: 21.116 ha ngô, 5.620 ha lúa nước, 285 ha lúa rẫy, 1.822 ha rau màu, 3.538 ha mía, 350 ha cà phê), trong đó 11.720 ha bị mất trắng (mức thiệt hại trên 70% năng suất), số còn lại giảm năng suất từ 30-70%; tổng thiệt hại ước tính trên 542 tỷ đồng. Đây là những thiệt hại lớn đối với người nông dân và ngành nông nghiệp của tỉnh.
Thiếu nước tưới nên nhiều diện tích ngô ở xã Ea Sô, huyện Ea Kar kém phát triển, năng suất giảm 50%. |
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tình hình hạn hán năm nay diễn ra khốc liệt và còn nhiều diễn biến phức tạp, mưa bắt đầu sớm, nhưng từ tháng 5 đến tháng 7 nhiều vùng trong tỉnh ít mưa, nhất là khu vực phía Đông và Đông bắc, gồm các huyện: Krông Bông, M’Drak, Krông Pak, Krông Năng lượng mưa quá thấp nên lượng nước ở các hồ, đập, suối… đều xuống mực nước chết, nhiều nơi không có nước để cứu hạn. Từ đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có mưa song các huyện nêu trên lượng mưa vẫn rất ít và nguy cơ hạn vẫn tiếp diễn, có thể gây thiệt hại cho vụ thu đông. Dự báo trong thời gian tới, lượng mưa trên địa bàn tỉnh cũng không cao do ảnh hưởng của hiện tượng ENSO, vì vậy tình trạng hạn hán vẫn đang ở báo động đỏ và cần có những giải pháp can thiệp kịp thời.
Giải pháp chống hạn
Trao đổi với ông Nguyễn Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi về vấn đề này, ông cho biết: Đối với vụ hè thu, hàng năm Sở NN-PTNT đều căn cứ vào thông tin dự báo thời tiết mùa vụ và tình hình thực tế để xây dựng lịch gieo trồng cho từng khu vực nhằm hạn chế thiệt hại do nắng hạn đầu mùa mưa gây ra. Tuy nhiên, vụ hè thu là vụ chính của cây trồng cạn nên diện tích sản xuất lớn, khoảng trên dưới 200.000 ha (vụ đông xuân khoảng 5.000-6.000 ha) nhưng hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên nên nguy cơ rủi ro cao khi có hiện tượng thời tiết bất thường. Trong khi đó, 643 công trình thủy lợi các loại chỉ đáp ứng đủ tưới cho 73% diện tích cây trồng vụ đông xuân; còn nước tưới cho vụ hè thu thì ít, vì hầu hết các công trình trên dùng tích nước phục vụ cho vụ đông xuân là chính. Để xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho các diện tích này rất khó thực hiện, bởi phần lớn các diện tích ngô, đậu… được bà con gieo trồng trên các ngọn đồi hoặc những vùng đất xa nguồn nước. Biện pháp hiệu quả và bền vững vẫn là chuyển đổi cơ cấu cây trồng và lịch thời vụ phù hợp.
Diện tích lúa bị hạn ở huyện Krông Pak. |
Hiện Sở NN-PTNT đã đi kiểm tra thực tế tình hình hạn hán ở các địa phương và báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho nông dân triển khai tiếp vụ mùa tới. Đồng thời, yêu cầu các địa phương trong thời gian tới phải cắt bỏ các diện tích không có khả năng tưới để tập trung tưới cho các diện tích còn lại; đắp các đập tạm để chứa nước, đào ao tích nước, tận dụng triệt để các nguồn nước tưới, không tát cạn ao để bắt cá gây lãng phí nước. Huy động các phương tiện tưới tiêu, xây dựng trạm bơm dã chiến; huy động nhân dân làm thủy lợi nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; khắc phục các sự cố gây thất thoát nước... Về lâu dài cần củng cố lực lượng thủy nông cơ sở để quản lý tốt nguồn nước, lập lịch cấp nước, phân phối, điều tiết nước hợp lý, khoa học; lên kế hoạch vận hành của từng công trình thủy lợi; thực hiện các biện pháp tưới nước luân phiên, tiết kiệm. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra đánh giá nguồn nước các hồ, đập để cân đối nguồn nước cho các loại cây trồng, điều tiết bảo đảm cung cấp nước hiệu quả đến cuối vụ sản xuất; theo dõi sát thời tiết, diễn biến khô hạn để điều chỉnh phương án chống hạn kịp thời, phù hợp.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc