Multimedia Đọc Báo in

Chương trình phát triển kinh tế - xã hội thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giai đoạn 2006-2011 của huyện Krông Pak: Luồng gió mới thổi đến làng buôn

06:25, 06/08/2012

Sau 5 năm thực hiện Chương trình 14 của Huyện ủy Krông Pak, kinh tế - xã hội thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã có những chuyển biến rõ rệt, đời sống đồng bào không ngừng được nâng lên, cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, đường giao thông, trường học, công trình thủy lợi, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng cơ bản được đầu tư hoàn thiện.

Với việc bà con biết đưa máy móc vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất,  từng bước cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
Với việc bà con biết đưa máy móc vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, từng bước cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Huyện Krông Pak có khoảng 13.430 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 68.191 khẩu, chiếm 33,63% so với dân số toàn huyện; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (DTTSTC) là 8.970 hộ, chiếm 23,03%. Trong 277 thôn, buôn, tổ dân phố của 15 xã và 1 thị trấn có 45 buôn đồng bào dân tộc Êđê, 7 buôn  đồng bào dân tộc Xê Đăng, 6 buôn đồng bào dân tộc Vân Kiều. Đời sống kinh tế - xã hội của các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có 20/58 buôn, thôn nghèo, chiếm 34,48%; hộ nghèo 5.795/11.580 hộ, chiếm 50,04% so với tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện. Với phương châm phát huy nội lực, kết hợp việc tranh thủ các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, Trung ương và các tổ chức kinh tế khác, từ năm 2006, UBND huyện đã huy động trên 144,2 tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ các buôn, thôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Các công trình giao thông, thủy lợi… được đầu tư đã mang lại hiệu quả thiết thực: góp phần giúp người dân ở các xã vùng khó khăn dễ dàng lưu thông, giao thương hàng hóa, cung cấp nước tưới phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.  Bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật cũng được địa phương xây dựng như: mô hình thâm canh lúa lai Syn 6 ở xã Ea Hiu với quy mô 12 ha, kinh phí 42 triệu đồng; mô hình buôn điểm thực hiện tại buôn Krông Pak, xã Ea Kly về chăn nuôi bò sinh sản, bò đực lai Sind, cây điều ghép, xoài cát Hòa Lộc, bơ ghép, kinh phí 500 triệu đồng (do tỉnh đầu tư); mô hình trồng tre lấy măng, cà phê ghép, ca cao ghép, rau an toàn, mô hình ủ rơm, hỗ trợ máy băm cỏ thức ăn gia súc… qua việc đầu tư xây dựng các mô hình đã tạo điều kiện, giúp bà con đồng bào nắm bắt được khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất.

Việc triển khai thực hiện nhiều chính sách, dự án đầu tư như Chương trình 134, 135, 168, 167 đã góp phần giúp đồng bào nhanh chóng ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo. Kết quả đầu tư từ năm 2006 – 2011 cho thấy Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến sự phát triển về nhiều mặt đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tập trung kinh phí đầu tư những vùng đặc biệt khó khăn nhằm tạo nền tảng phát triển bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng; từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng trong huyện. Đến năm 2011 các chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Chương trình 14-CTr/HU đề ra đã cơ bản hoàn thành. Thu nhập bình quân đầu người chung của toàn huyện năm 2011 là 16 triệu đồng/năm, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ước đạt 10 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTSTC còn 47%; tỷ lệ hộ được dùng điện  và nước hợp vệ sinh đạt 95%; diện tích cây trồng được bảo đảm nước tưới đạt  75%; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mầm non và tiểu học đến trường đạt 93,18%; 50/58 thôn buôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, đạt 86%.

Theo đánh giá của Huyện ủy Krông Pak: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội thôn buôn triển khai thực hiện tại địa phương đã thổi luồng gió mới vào các buôn làng. Kinh tế không ngừng phát triển, đời sống của người dân vì vậy càng ngày càng được cải thiện. Về y tế, giáo dục, hầu hết các thôn buôn đã có cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình cho đồng bào, tham gia hiệu quả vào chương trình y tế quốc gia, kịp thời ngăn chặn các dịch bệnh tại địa phương; công tác giáo dục luôn được các ngành các cấp coi trọng, số lượng con em trong độ tuổi tới trường ngày càng tăng, nhiều hình thức đào tạo đã được áp dụng, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đến năm 2010, huyện đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cấp xã, thôn, buôn và gửi đi học cử tuyển tại các trường Đại học chuyên ngành trên cả nước. Số lượng cán bộ đồng bào DTTSTC vì vậy được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước ngày càng tăng, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc