Chuyển nợ xấu thành vốn góp của ngân hàng vào doanh nghiệp
Sau khi Báo Dak Lak (ngày 6-7-2012) đăng bài “Xử lý nợ xấu: Cần giải pháp thực tế”, trong đó đề cập đến việc xử lý nợ xấu của DN bằng hình thức chuyển đổi món nợ này thành cổ phần cho các ngân hàng (NH), đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) đồng tình rằng, đây là biện pháp xử lý nợ xấu hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay.
Chuyển nợ xấu thành vốn góp của ngân hàng vào doanh nghiệp - một biện pháp được coi là hiệu quả trong việc giải quyết nợ xấu (ảnh minh họa) |
Việc xử lý nợ xấu theo phương pháp này chỉ nên thực hiện đối với những DN có số nợ xấu lớn, bảo đảm sau khi mua, NH trở thành cổ đông chiến lược; có lịch sử quản trị kinh doanh tốt, hoạt động hiệu quả, có uy tín đối với các NH, đặc biệt là đối với các DN sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích…, nhưng đang gặp khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ NH mà nguyên nhân chính được xác định là do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế tác động đến, với hình thức là chuyển một phần hoặc toàn bộ nợ gốc của DN thành cổ phần của NH cho vay. NH và DN có thể thỏa thuận chuyển số nợ thành cổ phần hoặc phần vốn góp của NH vào DN. Xử lý nợ xấu theo hình thức này sẽ giúp DN giảm bớt áp lực trả nợ, có điều kiện tập trung các nguồn lực tài chính cho việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh đang dở dang. Trong trường hợp cần vay thêm vốn từ các tổ chức tín dụng cũng sẽ dễ dàng hơn do không còn nợ xấu. Đối với NH, khi chuyển nợ xấu thành cổ phần, vị thế của NH đối với DN cũng sẽ thay đổi, nghĩa là từ chủ nợ, NH trở thành cổ đông lớn, nắm đa số cổ phần. Điều này cũng đồng nghĩa, NH được quyền tham gia công tác quản trị, điều hành, tái cấu trúc… đưa DN phát triển. Có thể thấy rằng, việc chứng khoán hóa các khoản nợ là một trong những giải pháp mang lại lợi ích về nhiều mặt cho cả NH và DN nên Nhà nước cần khuyến khích các NH thực hiện. Với DN, khoản nợ sau đó sẽ được xóa và chuyển thành vốn điều lệ thuộc quyền sở hữu của NH. Còn với NH, khoản nợ xấu cũng sẽ được thanh toán, nhưng NH không thu tiền về mà rót vào DN dưới hình thức góp vốn. Và như vậy, khoản nợ coi như đã xử lý xong chỉ sau 1 nghiệp vụ, bảng cân đối tài chính thay đổi và DN sẽ có đủ điều kiện vay vốn mới, dòng chảy tín dụng được khai thông. Đại diện một số DN cho biết, để việc này mang lại hiệu quả cao, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng quy định NH không tham gia đầu tư ngoài ngành, Nhà nước nên sớm có quy định về thời gian NH “thoái vốn” khỏi DN đó. Nghĩa là, sau một thời gian nhất định kể từ khi mua cổ phần của DN, NH phải bán lại cổ phần này hoặc yêu cầu DN phải mua lại cổ phần này khi tình hình hoạt động đã ổn định và phát triển trở lại.
Tính đến cuối tháng 7-2012, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn khoảng 30.936 tỷ đồng, nhưng nợ xấu đã chiếm trên 1.000 tỷ đồng (khoảng 3,35% tổng dư nợ cho vay). So với cả nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Dak Lak là không lớn. Tuy vậy, nợ xấu cũng đã và đang là tác nhân chính “cản đường” tiếp cận vốn tín dụng NH của các DN nên cần nhanh chóng có biện pháp xử lý hữu hiệu. Ngoài biện pháp nêu trên, để việc xử lý nợ xấu được triển khai thực hiện nhanh và đạt hiệu quả cao, DN đề nghị Nhà nước cũng cần xem xét khuyến khích các NH mạnh dạn mua cổ phần những NH yếu kém; miễn các loại thuế (thuế GTGT, TNDN…) đối với các hoạt động mua bán nợ nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường này; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho nghiệp vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp…
Trần Sáu
Ý kiến bạn đọc