Multimedia Đọc Báo in

Dịch heo tai xanh bùng phát nhanh: Các địa phương vẫn loay hoay chống dịch

06:05, 03/08/2012

Chỉ trong vòng hai tháng kể từ khi phát hiện ổ dịch heo tai xanh đầu tiên vào ngày 31-5 ở huyện Cư M’gar, đến nay dịch đã lan ra 459 hộ, 172 thôn, 53 xã thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố, làm 5.103 con heo mắc bệnh, 2.293 con chết và đã tiêu hủy gần 83 tấn, gây thiệt hại lớn cho nông dân và ngành chăn nuôi của tỉnh. Song điều đáng nói là công tác chống dịch chưa quyết liệt, không đồng nhất, một số địa phương vẫn chưa thật sự quan tâm đến công tác này…

Thực hiện phun thuốc tiêu độc khử trùng cho đàn heo khỏe mạnh.    Ảnh: T.L
Thực hiện phun thuốc tiêu độc khử trùng cho đàn heo khỏe mạnh. Ảnh: T.L

Thiếu linh hoạt

Còn nhớ năm 2010, trên địa bàn tỉnh “cơn lốc” mang tên tai xanh đã càn quét qua các đàn heo ở 14 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Lak) khiến người chăn nuôi khốn đốn, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi trên 100 tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân khiến dịch bùng phát nhanh, trong đó có sự lúng túng trong công tác chống dịch do đây là lần đầu tiên Dak Lak phải đối mặt với trận dịch tai xanh lớn như vậy. Tuy nhiên, đến giữa năm 2012, dịch heo tai xanh lại tái bùng phát, chỉ với ổ dịch đầu tiên ở thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar), trong vòng 2 tháng dịch đã lan ra 9 huyện, thị xã, thành phố là Cư M’gar, Ea Kar, M’Drak, Krông Pak, Cư Kuin, Buôn Đôn, Krông Buk, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột, làm hàng ngàn con heo mắc bệnh. Chỉ riêng trong ngày 31-7, dịch đã phát sinh thêm ở 2 xã gồm: Cư Pơng (huyện Krông Buk), phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột), 18 thôn, 37 hộ với tổng số heo mắc bệnh 463 con, số heo tiêu hủy 218 con. Thế nhưng công tác chống dịch năm nay vẫn không khá hơn là mấy, nhiều địa phương vẫn cứ loay hoay chống dịch, thiếu linh hoạt, thiếu cương quyết, còn trông chờ vào cấp trên. Ông Nguyễn Văn Đông, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: căn cứ vào cơ chế lây lan của bệnh (virus có thể phát tán thông qua các hình thức vận chuyển heo mang trùng, theo gió, bụi, nước bọt, dụng cụ chăn nuôi, dụng cụ bảo hộ lao động nhiễm trùng…) thì có thể khẳng định, công tác kiểm dịch, giám sát, kiểm soát trên địa bàn tỉnh ngay từ lúc đầu đã không thực hiện được hoặc không kịp thời; khâu phát hiện và thông báo dịch chậm, dẫn đến việc xử lý chưa chủ động; công tác tổ chức thực hiện không đồng bộ, không nghiêm túc, nhiều huyện chưa chủ động linh hoạt trong chống dịch, còn trông chờ vào kinh phí, hướng dẫn của tỉnh mới làm; công tác chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức, mới dừng lại ở ban hành văn bản, việc kiểm tra, giám sát thực tế tại nhiều địa phương vẫn chưa triển khai được.

Theo nhận định của ông Nguyễn Cảnh Tự, Giám đốc cơ quan Thú y vùng V: hiện dịch vẫn diễn biến phức tạp, con số về thôn, xã, hộ có heo mắc bệnh liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng, bình quân mỗi ngày có khoảng 300 con heo mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 116 con. Đây là con số thiệt hại lớn, trong khi đó công tác chống dịch vẫn còn nhiều bất cập, do vậy tỉnh cần tìm ra giải pháp để khống chế dịch, nếu không sẽ bùng phát ra toàn tỉnh, lúc đó thiệt hại sẽ lớn gấp nhiều lần so với năm 2010.

Đâu là giải pháp?

Tại cuộc họp triển khai công tác chống dịch heo tai xanh diễn ra hồi cuối tháng 7 vừa qua, các đại biểu đều cho rằng: khó khăn lớn nhất trong việc chống dịch là không có vắc-xin. Ngay sau khi đợt dịch tai xanh năm 2010 chấm dứt, các địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân tự mua vắc-xin tai xanh để tiêm phòng cho đàn heo của gia đình, nhưng do giá vắc-xin cao (từ 38.000-40.000 đồng/liều) nên rất ít hộ thực hiện tiêm phòng. Tại huyện Ea Kar, nơi có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh: 107.000 con, nhưng chỉ tiêm được 4000 liều, trong khi đó tại huyện này có đến 5 điểm bán vắc-xin nhưng người dân vẫn chưa quan tâm. Ban chỉ đạo phòng chống dịch heo tai xanh huyện Krông Pak cho biết: bên cạnh việc thực hiện các giải pháp thiết yếu trong chống dịch, vấn đề quan trọng là vẫn phải có vắc-xin để tiêm bao vây gần và tiêm thẳng vào ổ dịch, như vậy mới hy vọng khống chế được dịch bệnh nhanh. Huyện Cư Kuin là một minh chứng: sau đợt dịch 2010, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các hộ chăn nuôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ trên đàn gia súc. Năm 2012, khi dịch xảy ra, huyện đã trích ngân sách mua 6.000 liều phục vụ cho công tác chống dịch; nhờ vậy, tốc độ lây lan chậm, nhiều ổ dịch cơ bản được khống chế. Theo ông Nguyễn Cảnh Tự, chống dịch phải dùng vắc-xin mới khống chế dịch nhanh và hiệu quả, hiện Cục Thú y đã cấp cho Dak Lak 20.000 liều vắc-xin để chống dịch, số còn lại tỉnh và các địa phương cùng với nhân dân nên mạnh dạn bỏ tiền ra mua để tiêm bao vây cho đàn heo. Sở NN-PTNT cũng khuyến cáo: hiện trên thị trường có 15 loại vắc-xin phòng ngừa bệnh heo tai xanh được phép lưu hành, nhưng người chăn nuôi ở tỉnh chỉ nên dùng vắc-xin chủng nhược độc JXA1-R của Trung Quốc để tiêm phòng vì khả năng bảo hộ cao hơn. Ngoài ra, người chăn nuôi cũng cần tiêm phòng đầy đủ các bệnh bắt buộc, như: tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn; đàn heo phải được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng, chuồng trại bảo đảm vệ sinh thú y. 

Về phía địa phương, đồng chí Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh yêu cầu phải huy động cả hệ thống chính trị tham gia chống dịch; giao cho cơ quan thú y thực hiện các biện pháp khống chế, dập dịch trong thời gian sớm nhất; tập trung mọi nguồn lực để tiêm phòng cho toàn bộ đàn heo. Tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài chính cấp đủ kinh phí cho Sở NN-PTNT triển khai thực hiện chống dịch.

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc