Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ nguồn hỗ trợ thủy sản

19:15, 25/08/2012

Trong những năm qua, Chương trình phát triển thủy sản của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho người nuôi trồng thủy sản. Mặc dù sự hỗ trợ cho ngành này vẫn thấp so với nhiều lĩnh vực khác song thực tế cho thấy, nguồn vốn hỗ trợ đó đã phát huy hiệu quả nhất định, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.

Mô hình nuôi cá lăng nha của gia đình ông Tạ Văn Tuấn.
Mô hình nuôi cá lăng nha của gia đình ông Tạ Văn Tuấn.

Định cư và sản xuất ở vùng hạ lưu dòng Krông Buk hạ, nhưng trước đây gia đình ông Tạ Văn Tuấn ở thôn Nghĩa Lập, xã Ea Kuăng (Krông Pak) chỉ làm cà phê và lúa. Qua tham khảo mô hình sản xuất ở nhiều nơi, ông Tuấn nhận thấy quỹ đất của gia đình chưa được tận dụng hết, vẫn còn nhiều khả năng nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất. Vì thế, những năm gần đây, ngoài việc trồng xen canh cây vải thiều trong 1 ha cà phê, mở rộng chăn nuôi heo, ông Tuấn đã chuyển 1 phần diện tích ruộng sang đào ao nuôi cá. Song thời gian đầu do gặp khó khăn về nguồn vốn, ông chỉ nuôi các loài cá thông dụng như rô phi, trắm, chép… tuy có cải thiện kinh tế gia đình nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2011, gia đình ông được Chương trình Phát triển thủy sản giai đoạn II hỗ trợ gần 150 con giống cá lăng nha và 5 triệu đồng tiền thức ăn, đồng thời được tập huấn kỹ thuật nuôi. Từ khi sản xuất cá lăng nha, giá trị ao nuôi của ông Tuấn đã được nâng lên đáng kể. Sau gần 1 năm nuôi, đàn cá lăng nha đã phát triển khá mạnh, mỗi con đạt trên trên 1 kg, với giá trên dưới 300.000 đồng mỗi kg như hiện nay đang hứa hẹn mang lại cho gia đình ông Tuấn nguồn thu nhập lớn. Ngoài ra, ông Tuấn còn được hỗ trợ nuôi cá rô đầu vuông, một trong những loài cá mới tại địa phương cũng hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao.

Gia đình ông Phạm Văn Mạ thuộc diện hộ nghèo ở thôn Phước Hòa 3, xã Ea Kuăng. Thiếu đất sản xuất, với một lao động chính đã ngoài tuổi 70, gia đình ông chủ yếu sống nhờ vào ao nuôi cá khoảng 500m2 của gia đình. Trước đây, ông Mạ chủ yếu chỉ khai thác nguồn giống thủy sản tự nhiên, có nuôi thêm nhưng rất ít do thiếu vốn đầu tư giống. Năm 2011, ông Mạ được Chương trình Phát triển thủy sản hỗ trợ các loại cá giống rô phi, cá trắm, chép và tiền thức ăn, đồng thời tập huấn hỗ trợ kỹ thuật nuôi. Nhờ vậy, ông Mạ đã nuôi thành công, vụ đầu tiên lãi được 4 triệu đồng, ngay sau đó ông tiếp tục đầu tư, nhân rộng sản xuất, đến nay ông Mạ đã nuôi được thêm 3 vụ cá, các loại cá thông dụng đều sinh trưởng, phát triển tốt trong  ao nuôi của gia đình ông. Ông Mạ cho biết, qua Chương trình Phát triển thủy sản, ông đã được tập huấn kỹ thuật nuôi đối với nhiều loài thủy sản khác nhau và cũng đã tham khảo một số mô hình, hiện ông đang tích góp dần vốn để sau vụ cá này ông tiếp tục đầu tư nuôi các loài có giá trị kinh tế cao như ếch, cá rô đầu vuông...

Đối với hộ bà Võ Thị Kim Anh ở thôn 2, xã Quảng Điền (Krông Ana) thì ao nuôi cá cũng là niềm hy vọng hứa hẹn tăng thêm thu nhập ngoài cây lúa. Gia đình bà Anh có 5 lao động, nhưng đất sản xuất chỉ có 1 ha lúa, các con bà đều phải đi làm công nhân tận Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Tích góp mãi, năm 2011 gia đình bà mới đầu tư đào được ao nuôi cá, nhưng do chưa có kinh nghiệm, lại thiếu vốn nên chưa nuôi. Năm 2012, gia đình bà được Trung tâm Khuyến nông huyện tập huấn kỹ thuật, đồng thời hỗ trợ giống cá trắm cỏ. Gia đình bà hiện đang rất hy vọng vào việc nuôi cá này.

Có thể nói, với nông dân Dak Lak, nuôi trồng thủy sản là nghề không quá phức tạp; một khi được tập huấn, được hỗ trợ vốn, giống, người nông dân có có thể phát tiển tốt nghề nuôi trồng thủy sản, từ các loài cá thông thường đến các loại đặc sản có giá trị kinh tế cao như ba ba, ếch, cá chình, lươn, cá lăng, cá chẽm... Tuy nhiên, cùng với việc định hướng sản xuất, vấn đề người dân cần hiện nay là các chương trình cho vay vốn ưu đãi cần được triển khai sâu rộng hơn, thiết thực hơn, bên cạnh đó là sự hỗ trợ về thông tin, dự báo thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Minh Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.