Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu nhờ được giao đất giao rừng

09:33, 21/08/2012

Hưởng ứng chủ trương giao đất giao rừng của Chính phủ, năm 1994, gia đình  anh nguyễn Đức Sỹ ở thôn 5, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) nhận 4,5 ha đất do UBND xã Hòa Thắng giao dưới chân đồi Cư B’lam. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh trồng ngô, đậu xen cà phê khi chưa khép tán đã có thu nhập bước đầu. Cuộc sống gia đình anh bớt dần khó khăn. Năm 1997, anh Sỹ nhận tiếp 12,8 ha đất do UBND TP. Buôn Ma Thuột giao. Qua 2 lần thực hiện giao đất giao rừng, anh đã nhận 17,3 ha đất trống, thời gian sử dụng 50 năm.

Anh Sỹ đã dành 16 ha để trồng rừng, trong đó 14 ha trồng rừng khoanh nuôi và 2 ha trồng mới. Anh trồng thông, bạch đàn, keo, muồng và nhiều loại cây khác. Những cây thông trồng ban đầu đến nay đã lớn, đường kính 20 đến 30 cm.  Năm 2007, anh chị trồng tiếp 2.000 cây đến nay xanh tốt, cao từ 1 đến 2 mét. Tính sơ bộ, 16 ha  rừng đến thời điểm này trị giá khoảng 5 tỷ đồng. Giá trị sẽ tăng lên khi cây ngày càng lớn. Những năm qua, gia đình, họ hàng anh chị đều sử dụng gỗ thông, gỗ mít từ cánh rừng này để đóng cửa, tủ, bàn ghế. Diện tích còn lại anh trồng cà phê xen điều, tiêu và các loại cây ăn trái vừa chắn gió, che mát cho cà phê vừa tăng thêm thu nhập trên cùng một đơn vi diện tích. 200 cây điều mỗi năm thu hoạch xấp xỉ 1 tấn trị giá 18 triệu đồng; vườn xoài cho thu mỗi năm 2 tấn xoài trị giá 10 triệu đồng; 500 cây tiêu bước đầu cho sản lượng 500 kg trị giá 65 triệu đồng; 2.200 cây cà phê sản lượng từ 8 đến 9 tấn/vụ trị giá từ 350 đến 400 triệu đồng. Nhờ có rừng nên các ao nuôi cá và ao tích nước tưới của gia đình luôn trong và không bao giờ cạn. Riêng 3 sào ao nuôi cá mỗi  năm  cho thu  nhập từ  25 đên  30 triệu  đồng.  Năm 2005, gia đình anh Sỹ mua thêm 1,5  ha đất  đỏ trồng 1.500 cây cà phê giống mới. Trong vườn cà phê này anh trồng xen 100 cây bơ sáp giống muộn, đến nay đã có 30 cây cho quả với sản lượng 1 tấn/vụ, thu nhập từ 22 đến 25 triệu đồng. Hằng năm trừ chi phí anh chị thu lãi từ 250 đến 300 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ chăn nuôi heo, gà, rau quả và 16 ha rừng.

Trong những năm qua, gia đình anh Sỹ đã đầu tư trên 400 triệu đồng mua sắm phương tiện phục vụ sản xuất, đào ao, làm đường…Năm 2007, anh chị đã xây nhà mới khang trang trị giá trên 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh chị còn giúp 4 lao động thường xuyên có việc làm với thu nhập ổn định 3 triệu đồng/tháng; giúp cây giống, vốn và kỹ thuật cho nhiều hộ nông dân khác. Anh Nguyễn Đức Sỹ đã được Hội Nông dân TP. Buôn Ma Thuột công nhận đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” 5 năm 2007- 2011.

Thanh Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.