Làm giàu từ nuôi heo rừng lai
Sau 4 năm làm nhiệm vụ tại chiến trường K, năm 1982 anh Lê Công Tuấn (thôn 2, xã Hòa Phong, (Krông Bông) về phục viên với quân hàm thiếu úy sĩ quan Dự bị động viên. Hành trang trở về của người lính chỉ vỏn vẹn chiếc ba lô với vài bộ quân phục, lúc đó mẹ già tuổi đã ngoài 60, thiếu người lao động, công điểm ăn chia của HTX chỉ đủ sống tạm qua ngày, hoàn cảnh kinh tế gia đình anh Tuấn vô cùng khó khăn.
Song với phẩm chất lính Cụ Hồ “khó khăn nào cũng vượt qua”, anh Tuấn bắt tay tìm đất khai hoang, vỡ hóa, thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi. Cách đây 2 năm, nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ các loại thịt đặc sản quý hiếm mà một trong những động vật hoang dã được nhiều người ưa chuộng là heo rừng, qua giới thiệu của người quen, anh Tuấn đến tỉnh Ninh Thuận học tập kinh nghiệm và mua 3 cặp heo rừng lai về làm giống, với giá 78 triệu đồng, chưa tính chi phí làm tường rào và chuồng. Đây là giống heo được lai tạo giữa heo rừng đực với heo nái địa phương thả rông của người dân tộc thiểu số thường nuôi nên có sức đề kháng mạnh, ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp. Gia đình anh đã dành riêng 500m đất vườn, mua gạch xây tường ngăn cách riêng cho từng cặp. Anh Tuấn cho biết: “Kỹ thuật chăm sóc heo rừng cũng đơn giản, chỉ cần có thức ăn xanh tươi (cỏ, cây các loại), kết hợp với thức ăn tinh (hạt ngũ cốc, củ quả, mầm cây, rễ cây các loại), muối khoáng... Nuôi heo rừng lai rất kinh tế, không tốn nhiều công chăm sóc, mỗi năm heo mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 5-7 con, chỉ cần nuôi trong 2 tháng là xuất chuồng bán giống, còn heo thịt thì khi trọng lượng lên 30 – 40 kg là đã có thể tiêu thụ”. Sau 2 năm nuôi heo rừng lai, gia đình anh đã xuất chuồng được 7 lứa, với giá bán 120.000 đồng/kg hơi, bước đầu anh đã thu lại vốn. Hiện trong chuồng của anh còn 6 heo mẹ, 2 heo đực và 36 heo con.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc