Multimedia Đọc Báo in

Nghề trồng nấm - hướng phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Krông Ana

14:55, 31/08/2012

“Điều quan trọng ở đây là nghề trồng nấm đã thay đổi được nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về việc làm, ý thức vươn lên làm giàu và cả thói quen trong sinh hoạt”.

Những mô hình hiệu quả

H’Jen Adrơng ở tổ dân phố 4, thị trấn Buôn Trấp say sưa giới thiệu với những người khách tham quan “công trình” 1.000 bịch nấm linh chi đang đến kỳ thu hoạch. Đây là đợt thu hoạch thứ 4 của gia đình H’Jen sau 3 tháng trồng nấm, mỗi đợt thu được khoảng 8kg nấm khô, giá thị trường hiện nay 8 triệu đồng. Đây là khoản thu đáng kể với gia đình H’Jen. Trước đó, gia đình hết sức khó khăn, hai vợ chồng đi làm thuê sống qua ngày, bởi không có đất canh tác, vườn nhà chưa được 1 sào đất. Đầu năm 2012, H’Jen quyết định học nghề trồng nấm tại Trung tâm Dạy nghề Krông Ana. Kết thúc khóa học sau 3 tháng, H’Jen đổi công cho bạn bè trong tổ dân phố để đi lấy cây, tranh, tre về làm nhà trồng nấm linh chi. Cùng thời điểm này Tỉnh Đoàn đang phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện thực hiện dự án hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số học nghề và giải quyết việc làm nên Trung tâm đã cử cán bộ đến tận nhà H’Jen hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp nguồn giống. Sau một tháng nỗ lực làm nhà, gây bịch, chăm sóc, những bông nấm đầu tiên non tơ, vàng ươm ra đời trong niềm vui không kể xiết của vợ chồng H’Jen. “Em đang tính tích lũy vốn để mở rộng thêm quy mô, chừng 500 bịch và hơn nữa nếu có thể. Em như nhìn thấy tương lai sáng lạn của mình từ những bông nấm vàng óng ả này…” H’ Jen ví von, vui mừng bộc bạch về dự định tương lai của mình.

H’Jen hướng dẫn các bạn thanh niên trồng nấm linh chi. 
H’Jen hướng dẫn các bạn thanh niên trồng nấm linh chi.

Cũng thụ hưởng dự án hỗ trợ này, H’ Bdrin Êban ở buôn M’blơt (xã Ea Bông) lại thành công ở mô hình trồng nấm rơm. Là gia đình trẻ mới tách hộ, cả 2 vợ chồng đều “sức dài, vai rộng” mà chỉ loanh quanh với 1 sào ruộng và làm thuê, cuốc mướn nên cái nghèo cứ đeo đuổi mãi. Năm 2011, H’Bdrin tham gia lớp học nghề trồng nấm miễn phí theo chương trình dạy nghề cho nông thôn do Trung tâm Dạy nghề huyện mở, sau đó làm thử 5 luống nấm rơm theo đúng kỹ thuật đã được học với sự hỗ trợ giống và nhận bao tiêu sản phẩm của Trung tâm. Những ụ nấm đầu tiên bung nở đã mở ra hướng đi mới cho cặp vợ chồng trẻ. Sản phẩm đầu tay, H’Bdrin không bán mà hái biếu hầu khắp mọi người trong buôn, đồng thời hướng dẫn họ cách chế biến các món ăn phù hợp như cán bộ Trung tâm đã dạy. Bằng cách làm đó, dần dà những người dân trong buôn đã thích món ăn mới lạ, ngon mà bổ dưỡng này. Chính vì vậy, sau này khi đã mở rộng diện tích trồng nấm rơm lên đến gần 100m2 mà sản phẩm cũng tiêu thụ rất nhanh, hầu hết là bà con trong buôn mua mà chưa cần phải nhờ đến đầu mối Trung tâm… Sau một năm trồng nấm rơm đã tích lũy được hơn 20 triệu đồng, cùng với nguồn vốn Dự án hỗ trợ và vốn vay Ngân hàng Chính sách, vợ chồng H’Bdrin quyết định mua chiếc máy cày 45 triệu đồng để có phương tiện vận chuyển nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất và đưa sản phẩm đi tiêu thụ… (xã Ea Bông) thuộc diện nghèo nhất xã vì thiếu đất canh tác, đông con lại không biết tính toán làm ăn. Năm 2010, sau khi được học nghề trồng nấm, gia đình H’Uôm đã vay 4 triệu đồng từ ngân hàng Chính sách xã hội để làm lán trồng nấm sò. Do ít vốn đầu tư, lán tạm bợ sơ sài nên mùa mưa năm 2011 giàn nấm đổ nát. Trước hoàn cảnh đó, Chi đoàn đã vận động đoàn viên, thanh niên trong buôn cùng với sự hỗ trợ của Huyện Đoàn, Trung tâm dạy nghề huyện xây lại cho gia đình H’Uôm một nhà trồng nấm kiên cố. Giờ thì mỗi ngày gần nghìn bịch nấm sò của gia đình H’Uôm lại nở bung như bông tuyết mang lại thu nhập ổn định hơn 5 triệu đồng/tháng đủ lo cho con cái ăn học.

Thay đổi nhận thức

Trên đây là 3 mô hình trồng nấm do Tỉnh Đoàn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana xây dựng nhằm trang bị những kiến thức cơ bản cho đoàn viên thanh niên nông thôn áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất,  giải quyết việc làm, giúp thanh niên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Y Nhuần Byă cho biết:  Từ những mô hình trồng nấm này, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng, phát triển đến thanh niên trong huyện, trong tỉnh (đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số) để giúp họ có việc làm phù hợp và vươn lên làm giàu…

Hiện Tỉnh Đoàn tiếp tục mở lớp tập huấn và tổ chức tham quan mô hình ở Krông Ana để thanh niên các xã khác thấy được hiệu quả kinh tế của trồng nấm, từ đó chọn cho mình mô hình phù hợp để lập nghiệp. Trong buổi tham quan mô hình, chuyển giao công nghệ mới đây hơn 35 thanh niên dân tộc thiểu số tham gia đều rất quan tâm, chăm chú quan sát, học hỏi. Y Phiên H’Moc ở buôn Tlơ (xã Ea Na) nhà có 2 sào lúa, sẵn rơm rạ nên với anh, trồng nấm rơm là phù hợp nhất, hơn nữa trong buôn chưa có ai trồng nấm, Y Phiên hy vọng rằng sẽ đưa nghề này về phổ biến cho bạn bè, bà con trong buôn. Y Nuôi H’Moc ở buôn Chuôi (xã Băng Dranh) khá tâm đắc với mô hình trồng nấm linh chi vì loại nấm này có giá trị kinh tế cao mà dễ tiêu thụ.

Bà Đinh Thị Danh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Krông Ana hồ hởi nói:  “Điều quan trọng ở đây là nghề trồng nấm đã thay đổi được nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về việc làm, ý thức vươn lên làm giàu và cả trong thói quen sinh hoạt. Người dân buôn M’blơt (xã Ea Bông) đã biết dùng nấm, sử dụng nguồn rau sạch, an toàn này làm thức ăn, biết học cách làm nấm để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và biết cả làm giàu từ nấm”. H’ Uôm và H’Bdrin cũng khẳng định: trước đây người dân trong buôn không biết ăn nấm, nhưng nay nấm đã trở thành món ăn quen thuộc, mỗi sáng hái nấm xong là bà con đến mua, đưa gạo đến đổi nấm hết hàng chục ký nên không mấy khi phải mang ra chợ bán.

Ngoài ra, các học viên tham gia buổi tham quan còn được cán bộ kỹ thuật của Sở Khoa học Công nghệ hướng dẫn cách xử lý, ngâm ủ rơm, rạ, mùn cưa…, tận dụng những nguyên liệu sau khi trồng nấm trở thành phân hữu cơ vi sinh để tiếp tục chăm bón cho cây trồng.

Nhìn những vườn nấm ở Krông Ana, chúng tôi chợt liên tưởng tới hình ảnh nấm linh chi như những lá vàng, nấm sò, nấm rơm như những thỏi bạc trắng đang là những nông sản quý góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nông dân nơi đây…

Minh Quân

 


Ý kiến bạn đọc