Multimedia Đọc Báo in

Triển khai thực hiện Dự án khu trung tâm thương mại và dân cư Thái Bình (Krông Pak): Nhiều khuất tất trong thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ cho dân cần sớm được làm rõ

06:00, 13/08/2012

Thu hồi đất vượt giới hạn quy hoạch, ăn chặn tiền đền bù hỗ trợ của người dân… là những nội dung mà một số hộ nhận khoán vườn cà phê tại Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Phước An (huyện Krông Pak) đã viết đơn gửi đến các cơ quan chức năng tố cáo lãnh đạo công ty này. Đáng buồn thay, trong khi người dân đang mỏi mòn chờ đợi kết quả thì đơn của họ lại được chuyển đi lòng vòng, không nơi nào chịu giải quyết. 

Ngày 12-1-2011, UBND tỉnh Dak Lak ra quyết định số 71/QĐ-UBND về việc thu hồi 234.588,3m2 đất tại xã Ea Yông, Krông Pak của Công ty Cà phê Phước An để giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thái Bình Dương thuê thực hiện dự án khu trung tâm thương mại và dân cư Thái Bình (trong đó có 23.188,3m2 giao cho UBND huyện Krông Pak quản lý). Diện tích bị thu hồi này hầu hết đều là vườn cà phê của người dân nhận khoán với Công ty Cà phê Phước An có thời hạn hợp đồng đến năm 2022 (một số hộ thời hạn hợp đồng đến năm 2017). Việc thu hồi đất là chủ trương đúng đắn của tỉnh và hầu hết những người có vườn cà phê bị thu hồi đều chấp hành tốt chủ trương của UBND tỉnh.

Chủ đầu tư Dự án Khu trung tâm thương mại và dân cư Thái Bình đang tiến hành xây dựng hạ tầng, trong khi khiếu nại của người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Chủ đầu tư Dự án Khu trung tâm thương mại và dân cư Thái Bình đang tiến hành xây dựng hạ tầng, trong khi khiếu nại của người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Song, theo phản ánh của người dân, trong quá trình thực hiện việc thu hồi đất, tính toán đền bù, hỗ trợ cho nhân dân, các cơ quan và các cán bộ liên quan đã không thực hiện đúng, tính toán đền bù không thỏa đáng, không minh bạch và có nhiều khuất tất.

Khuất tất việc bồi thường, hỗ trợ 

Tiếp xúc với phóng viên Báo Dak Lak, một số người dân tỏ ra bức xúc với kiểu thanh lý hợp đồng, thu hồi đất tùy tiện của cán bộ Công ty Cà phê Phước An. Một số người như bà Nguyễn Thị Hoan, ông Văn Đình Quang ở thôn Tân Thành, ông Thái Văn Trí ở thôn Phước Thành, xã Ea Yông kể: “Ngày 18-10-2010, Công ty mời dân lên ký vào Biên bản làm việc thanh toán chi phí đầu tư cà phê nhận khoán, và họ xem đây như là một biên bản thanh lý hợp đồng nhận khoán vườn cà phê. Chúng tôi thắc mắc khiếu nại thì mãi đến sau này, họ (Công ty Cà phê Phước An – PV) mới cho công bố cho dân chúng tôi biết Quyết định của UBND huyện Krông Pak về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ công trình khu Trung tâm thương mại và dân cư Thái Bình – xã Ea Yông ký ngày 20-1-2011”.

Cũng theo phản ánh của người dân, việc triển khai phương án bồi thường, hỗ trợ theo quyết định nêu trên của Hội đồng bồi thường hỗ trợ và Công ty cũng thể hiện nhiều khuất tất. Theo phương án bồi thường, hỗ trợ công trình Khu trung tâm thương mại và dân cư Thái Bình đã được phê duyệt chi tiết thì tổng giá trị tiền bồi thường, hỗ trợ là 11.238.963.687 đồng để bồi thường, hỗ trợ cho 29 hộ bị thu hồi vườn cây. Tuy nhiên phương án này lại không được thông báo rộng rãi đến người dân. Chỉ đến khi người dân thắc mắc tìm hiểu thì họ mới đưa ra. Và, trên thực tế, số tiền người dân thực nhận lại không được tính đủ so với phương án đã được phê duyệt. Đơn cử như trường hợp của bà Nguyễn Thị Hoan được phê duyệt bồi thường hỗ trợ tổng cộng 322.564.260 đồng, nhưng số tiền nhận được mới chỉ có 223.611.000đồng (còn thiếu 98.953.260 đồng); ông Văn Đình Quang được phê duyệt 363.974.760 đồng nhưng chỉ được nhận 245.519.000 đồng; hộ bà Trần Thị Thủy được duyệt 401.583.800 đồng nhưng chỉ được nhận 285.000.000 đồng… Theo thống kê của người dân thì có tổng cộng 22 hộ không được trả đủ tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án đã được phê duyệt với tổng số tiền bị bớt xén là 2.257.767.040 đồng.

 Thu hồi đất vượt giới hạn quy hoạch

Trong đơn gửi đến Báo Dak Lak, bà Huỳnh Thị Phước ở số nhà 12, thôn Phước Thành xã Ea Yông, huyện Krông Pak phản ánh: Gia đình bà được nhận khoán lô cà phê có diện tích 1,05 ha (thuộc lô số 86, tờ bản đồ số 12). Vào tháng 10-2010, Công ty Cà phê Phước An mời bà lên làm việc và cho biết toàn bộ vườn cà phê 1,05 ha của gia đình nhận khoán đã được UBND tỉnh thu hồi để giao cho Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Thái Bình Dương. Tuy nhiên trên thực tế thì diện tích đất của gia đình bà nằm trong vùng quy hoạch chỉ có 1.836,5m2, chứ không phải là bị thu hồi hết 10.500m2 như Công ty Cà phê Phước An thông báo. Bà Phước tỏ ra bức xúc: “Công ty Cà phê Phước An đã lừa gạt gia đình tôi, cố tình dựa vào chủ trương thu hồi đất của UBND tỉnh để thu lố diện tích đất 8.663,5m2 của gia đình tôi, khiến chúng tôi không còn tư liệu sản xuất. Điều trớ trêu là diện tích đất thu hồi vượt này đã được phía Công ty đem bán lại cho ông Lê Văn Khuân (là cán bộ kế toán Phòng Tài vụ của Công ty cà phê Phước An)…  

Tương tự, ông Phạm Văn Cường, ở thôn Tân Thành, xã Ea Yông kể: Năm 1980, tôi được tuyển dụng vào làm công nhân Công ty Cà phê Phước An và trực tiếp nhận khoán lô cà phê có diện tích 0,88 ha (lô số 34 thuộc đội 19/8). Tháng 10-2010, Công ty Cà phê Phước An mời tôi lên làm việc và cho biết là toàn bộ vườn cà phê 0,88 ha của gia đình tôi nhận khoán bị UBND tỉnh thu hồi. Song theo tìm hiểu thì tôi được biết, vườn cà phê của gia đình tôi chỉ có 1.097,1 m2 nằm trong diện tích quy hoạch chứ không phải tất cả bị thu hồi hết 0,88 ha như Công ty Cà phê Phước An thông báo. Và tôi cũng biết được, hiện nay diện tích 7.702,9m2 mà Công ty Cà phê Phước An thu dư của gia đình tôi đã được bán cho người khác canh tác, thu hoạch… 

Không chỉ có bà Phước, ông Cường mà còn một số trường hợp khác cũng bị Công ty Cà phê Phước An “tranh thủ” dự án để thu hồi đất vượt giới hạn quy hoạch, chuyển nhượng lại cho người khác canh tác.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Bức xúc trước những việc làm khuất tất nêu trên, người dân đã viết đơn gửi đến các cấp có thẩm quyền đề nghị giải quyết, trả lời cho nhân dân được rõ. Tuy nhiên trong khi bà con đang mỏi cổ ngóng chờ hồi âm thì đơn của họ lại đang “chạy” lòng vòng bởi không nơi nào chịu giải quyết.

Sau khi đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng, ngày 20-4-2012 người dân nhận được báo cáo số 52/BC-UBND, của UBND huyện Krông Pak về việc giải quyết khiếu nại của các hộ dân nêu trên do ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Chủ tịch UBND huyện ký. Trong báo cáo này nêu rõ: “Đơn của công dân liên quan đến dự án khu trung tâm thương mại và dân cư Thái Bình thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Công ty Cà phê Phước An”! Mặc dù vậy, cũng vẫn trong báo cáo này, UBND huyện Krông Pak cho biết: “Ngày 9-3-2012, Công ty Cà phê Phước An có báo cáo không số, xác định đơn khiếu nại của các hộ dân nhận khoán không thuộc trách nhiệm và quyền hạn giải quyết của công ty”(!?)

Về phía Công ty Cà phê Phước An, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ làm việc về những nội dung người dân phản ánh nhưng đều bất thành. Sau nhiều lần đăng ký làm việc, chúng tôi được phía công ty gửi một tờ thông báo do đích thân Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Phước An Trần Minh Thụy ký. Nội dung tờ thông báo này cho rằng: “Hiện nay các cơ quan quản lý có thẩm quyền chưa giải quyết kết luận đúng, sai. Do đó, Công ty Cà phê Phước An chưa thể thông tin và làm việc trực tiếp với các cơ quan thông tin báo chí được…”(?)

 Từ những gì bà con đã phản ánh cùng với việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết khiếu nại của công dân, người dân có quyền nghi ngờ về sự khuất tất trong quá trình triển khai thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ để thực hiện dự án này. Trước thực tế đó, đề nghị các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương khẩn trương vào cuộc điều tra xác minh làm rõ những nội dung khiếu nại của công dân, sớm có kết quả trả lời xác đáng để giải tỏa những nghi ngờ, bức xúc của người dân.    

Việt Cường


Ý kiến bạn đọc