Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng hồi sinh của cây bông vải Dak Lak

08:36, 14/08/2012

Khác với nhiều loại cây trồng ngắn ngày khác, số phận cây bông vải ở Dak Lak khá chìm nổi, có những lúc tưởng như đi vào quên lãng. Những năm gần đây, cùng với chính sách hỗ trợ của ngành bông vải Việt Nam, các đơn vị chức năng trong tỉnh đang từng bước đầu tư, chuyển đổi phương thức canh tác, nhằm khôi phục lại vị thế cho loại cây này.

Người dân  huyện  Buôn Đôn  thu hoạch  bông  niên vụ 2010. (Ảnh tư liệu)
Người dân huyện Buôn Đôn thu hoạch bông niên vụ 2010. Ảnh tư liệu

Những bước thăng trầm

Cây bông vải xuất hiện tại Dak Lak từ năm 1990, trải qua thời gian định hình, phát triển, đến những năm 2000-2004 diện tích bông đã đạt 16.000 ha, đây được xem là thời kỳ “hoàng kim” của cây bông Dak Lak, tập trung nhiều nhất tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Pak, Krông Ana… Tuy nhiên, những năm sau đó, diện tích loại cây này cứ giảm dần, năm 2007, toàn tỉnh có 1.145 ha bông, đến năm 2008 chỉ còn lại 387 ha. Chưa bao giờ cây bông vải ở Dak Lak lại có số phận buồn đến thế, thậm chí, người ta còn lo ngại cây bông sẽ có nguy cơ bị xóa sổ trên mảnh đất này. Trong bối cảnh đó, các nhà quản lý, doanh nghiệp mới giật mình khi nhận ra nông dân đã quay lưng lại với cây bông do hiệu quả kinh tế mang lại không như họ kỳ vọng, chưa kể, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân còn khá lỏng lẻo, chưa thực sự chia sẻ gánh nặng với người trồng về giống, khâu chăm sóc, thu mua theo kiểu đột phá… nên dẫn đến hệ quả tất yếu là diện tích bông vải Dak Lak giảm mạnh. Trong khi đó, giá thu mua sản phẩm bông hằng năm quá thấp và tăng chậm: năm 2001 giá chỉ 4.500 đồng/kg, đến năm 2006 nhích lên 6.000 đồng/kg và vụ bông 2007 và 2008 lên 7.000 đồng/kg, trong khi giá bông thế giới đã ở mức 1,65 USD/kg (trên 25.000 đồng/kg). Đó là chưa kể việc sử dụng các giống bông cũ, đã thoái hóa khiến năng suất không thể cải thiện, bình quân mỗi ha bông chỉ đạt khoảng 1,2-1,4 tấn/ha, nếu trừ các khoản chi phí, người dân chỉ thu được khoảng 5-6 triệu đồng/ha, đây là nguyên nhân chính khiến cây bông vải mất tính cạnh tranh so với các cây trồng khác như bắp, đậu… (đạt khoảng 60 triệu đồng/ha như hiện nay), điều này đang đặt ra thách thức lớn đối với ngành Bông Việt Nam nói chung, tỉnh Dak Lak nói riêng!

Nỗ lực lấy lại vị thế cho cây bông Dak Lak

Một thời gian dài người nông dân Dak Lak tự “bơi” với cây bông vải, trong khi ngành Nông nghiệp tỉnh gần như thả nổi, chưa có sự quy hoạch cụ thể cả về diện tích và vùng trồng. Chia sẻ điều này, ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng Phòng trồng trọt - Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, phần lớn người trồng bông vẫn chỉ dựa vào sự liên kết với Công ty Cổ phần Bông Tây Nguyên. Theo đó, từ năm 2009 Công ty đã đưa ra giải pháp mới được xem là mang tính đột phá như hỗ trợ 100% hạt giống, ứng trước một phần chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm cùng một giá cho cả bông loại 1 và loại 2 là 9.000 đồng/kg (người trồng có thể thu về trên 15 triệu đồng/ha/vụ từ 3-4 tháng). Ngoài ra, Công ty còn tập huấn, hướng dẫn nông dân chăm sóc cây bông đúng quy trình kỹ thuật…, nhờ vậy, diện tích bông đã tăng lên trên 1.500 ha. Rõ ràng, khi quyền lợi của người nông dân được bảo đảm, doanh nghiệp chia sẻ bớt khó khăn với họ thì việc vực dậy cây bông không quá khó. Song để phát triển ngành bông vải bền vững thì cần phải có chiến lược dài hơi hơn nữa, bởi theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Dak Lak có đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để xây dựng vùng chuyên canh cây bông vải rộng lớn, mang tính trọng tâm của vùng Tây Nguyên. Theo đó, vào tháng 7- 2012, được sự đồng thuận của UBND tỉnh Dak Lak, Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh nguyên liệu dệt may Việt Nam - Vinatex (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) đã triển khai 2 dự án trồng bông theo hướng công nghiệp trên địa bàn huyện biên giới Ea Súp, gồm: “Dự án trồng bông công nghiệp có tưới tập trung” tại xã Ya Tờ Mốt gần 192,5 ha và “Dự án liên kết đầu tư trồng bông công nghiệp” tại Làng thanh niên lập nghiệp biên giới thuộc xã Ia Lốp, 200 ha. Triển vọng các dự án này sẽ làm thay đổi tập quán canh tác lâu nay là trồng bông chỉ biết dựa hoàn toàn vào thời tiết mùa mưa (tháng 7 làm đất gieo hạt đến đầu mùa khô tháng 12 thu hoạch) thường gặp nhiều rủi ro, bởi thời điểm thu hoạch mưa vẫn chưa dứt hẳn làm sản phẩm bông bị mất giá trị. Nay chuyển sang trồng bông có tưới tập trung trong mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 nên giảm được rủi ro do thời tiết, lại tận dụng được quỹ đất nhàn rỗi không trồng cây hoa màu khác vào thời gian này…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để vùng chuyên canh bông vải Dak Lak phát triển bền vững rất cần đến việc cải thiện chất lượng giống, đồng thời giá bông nguyên liệu cũng phải tăng tương xứng để thu hút nông dân đến với cây bông. Dak Lak có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, nếu biết cách liên kết, khai thác, sẽ mang lại giá trị gia tăng lớn, không chỉ nội tại ngành Nông nghiệp mà còn cho nhiều lĩnh vực khác.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc