Multimedia Đọc Báo in

Ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng nông thôn

10:39, 10/08/2012

Những năm qua, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực nông thôn đã được quan tâm đáng kể. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn đã thay đổi một cách mạnh mẽ, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.

 Cải tạo  đường  giao thông  nông thôn  ở xã  Tam Giang, huyện  Krông Năng.
Cải tạo đường giao thông nông thôn ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng.

Một trong những minh chứng rõ nét thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành đối với khu vực nông thôn đó là việc phân bổ một phần lớn vốn đầu tư cho khu vực này. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2006-2011, toàn tỉnh đã dành hơn 9.830 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn. Tính ra, mỗi năm, nông thôn được đầu tư hơn 1.638 tỷ đồng, con số này chiếm tỷ lệ khá lớn so với tổng chi ngân sách mỗi năm của tỉnh. Điểm đáng quan tâm hơn, trong số vốn đầu tư trên, vốn từ ngân sách Nhà nước chiếm lớn nhất, gần 47%, kế đến là vốn trái phiếu Chính phủ (37%), vốn ODA (hơn 11%)… Nguồn vốn này đã được đầu tư tập trung vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn như: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, phát triển sản xuất… Cụ thể, đối với giao thông, trong giai đoạn qua, đã tiến hành nhựa và bê tông hóa gần 320km đường xã, nâng tỷ lệ đường xã được đầu tư lên gần 29%; đường thôn, buôn 10%. Về thủy lợi, nâng cấp và xây dựng mới gần 130 công trình thủy lợi; gần 300km kênh mương, nâng tổng số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh lên gần 620 công trình, đáp ứng tốt việc tưới tiêu cho 70% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới. Tương tự, hệ thống lưới điện cũng đã được đầu tư xây dựng mới hàng nghìn km đường dây cao áp và trung hạ áp, nâng số xã có lưới điện quốc gia lên 100%, số hộ dùng điện lên 95%. Nói về những lợi ích mà người dân được thụ hưởng từ sự đầu tư trên, ông Y Blô (buôn Dhia 1, xã Cư Né, huyện Krông Buk) tâm sự: Sự quan tâm của Nhà nước như trên đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Con đường từ Quốc lộ 14 vào xã Ea Sin (Krông Buk) là một ví dụ. Đồng bào xã Cư Né trồng nhiều cà phê trên địa bàn xã Ea Sin, trước đây, khi chưa có con đường này, vào mỗi vụ thu hoạch, hoặc người dân phải đi vòng qua xã Cư Pơng, xa chừng 40 km mới vào đến rẫy, tốn không ít thời gian, tiền bạc hoặc chấp nhận bán nông sản tại rẫy cho tư thương với giá thường thấp hơn giá thị trường. Từ năm 2009, con đường này được nhựa hóa, việc đi lại đã thuận lợi hơn, không còn lầy lội và nhất là rút ngắn đáng kể khoảng cách từ nhà đến rẫy khoảng 2/3 chiều dài so với trước đây. Từ ngày có con đường này, chẳng những cảnh tư thương mua ép giá nông sản bà con không còn mà một số đại lý bán phân bón cũng sẵn sàng chở miễn phí vào tận rẫy cho các gia đình mua phân bón với số lượng một vài tấn. Y Blô cho biết thêm, cũng nhờ giao thông thuận lợi, người dân siêng vào rẫy chăm sóc cây trồng hơn nên sản lượng thu được cũng cao hơn trước đây. Thực tế cho thấy, ngoài giao thông, sự đầu tư thủy lợi, điện lưới cũng góp phần rất lớn trong việc nâng cao đời sống người dân nông thôn. Hiện tại, rất nhiều nông dân đã dùng điện tưới nước cà phê thay cho việc dùng máy nổ như trước đây, qua đó tiết kiệm được từ 1/3 đến ½ chi phí tưới; tổ chức sản xuất hoa màu, đặc biệt là ngô và các loại rau xanh quanh năm, mang lại thu nhập khá cao do sản phẩm trái mùa, bán được giá.

 Đầu tư cho kết cấu hạ tầng nông thôn đang tiếp tục được tỉnh đặt lên vị trí ưu tiên trong thời gian tới. Được biết, từ nay đến năm 2015, tập trung hỗ trợ đầu tư và huy động mọi nguồn lực để đến năm 2015, có trên 20% số xã trên địa bàn tỉnh đạt 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; các xã còn lại đều đạt từ 6 tiêu chí trở lên về kinh tế-xã hội, gồm: điện, trường học, bưu điện, nhà ở dân cư, y tế, cơ sở văn hóa. Để làm được điều này, theo tính toán sơ bộ cần phải có nguồn vốn chừng 4.765 tỷ đồng. Bên cạnh việc triển khai các công trình đã có chủ trương trước đó, như: Chương trình kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2011-2015; Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020; Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015…, với tổng số vốn gần 3.987 tỷ đồng. Số còn lại, ước gần 778 tỷ đồng sẽ được đầu tư cho giao thông, cơ sở vật chất văn hóa (nhà văn hóa xã, sân thể thao), môi trường (xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc tập trung; cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới các công trình cấp nước; xây dựng khu chôn rác hoặc tập trung rác…).

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc