Xây dựng nông thôn mới: Nhìn từ những con đường
Trong bộ 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) thì tiêu chí về hạ tầng giao thông là một trong những tiêu chí khó đạt nhất trong điều kiện địa hình, năng lực tài chính của các xã trên địa bàn Dak Lak. Tuy nhiên, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, hiện có nhiều tuyến đường được xây dựng khang trang, sạch đẹp từ sự đóng góp của người dân. Đây là minh chứng cho nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng NTM ở các địa phương.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn do người dân tự nguyện đóng góp tiền để làm. |
Tiêu chí khó đạt
Tiêu chí về giao thông (tiêu chí thứ 2 trong bộ 19 tiêu chí) đối với khu vực Tây Nguyên được quy định cụ thể là: tỷ lệ đường trục xã, liên xã được nhựa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn 100%; tỷ lệ đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn 70%; tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa là 100% (50% cứng hóa); tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện là 50%. Theo số liệu của Ban chỉ đạo NTM tỉnh cho biết, đến thời điểm này các huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành rà soát để xác định hiện trạng nông thôn mới, trong đó 6 xã đạt 10-11/19 tiêu chí, 46 xã đạt 5-9/19, 89 xã đạt 2-4/19, 11 xã đạt 1/19 tiêu chí. Điều đáng nói là trong tổng số các xã triển khai xây dựng NTM trong toàn tỉnh thì hầu như chưa có xã nào đạt tiêu chí về giao thông. Ông Vũ Văn Đông, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo NTM tỉnh cho biết: khó khăn của tỉnh là có gần 90% dân cư sản xuất nông nghiệp, diện tích tự nhiên rộng, dân cư phân bổ không đều, nhận thức của người dân chưa cao, cơ sở hạ tầng thấp kém, nguồn nhân lực, tài lực còn yếu, đội ngũ cán bộ thiếu và bất cập… Bởi vậy, một số tiêu chí, trong đó tiêu chí về giao thông có vẻ “quá sức” so với điều kiện của các xã, đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa.
Đến nay, trong tổng số 10/10 xã của huyện Lak đang thực hiện triển khai chương trình NTM thì 2 xã điểm Dak Phơi và Buôn Tría cũng chỉ đạt 2 tiêu chí là y tế và an ninh trật tự, và mục tiêu của huyện là đến năm 2015, sẽ đưa 2 xã này sẽ đạt chuẩn nông thôn mới. Để chương trình triển khai thực hiện đúng lộ trình, huyện đã vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc; vận động người dân chung sức xây dựng NTM. Theo ông Nguyễn Văn Kiên, thành viên ban chỉ đạo NTM huyện thì một số tiêu chí có thể đạt được đúng lộ trình, nhưng về giao thông là không khả thi. Bởi vì: để xây dựng được 50% đường ngõ xóm cứng hóa theo quy định trong điều kiện khó khăn của huyện, hoặc tỷ lệ đường giao thông được nhựa và bê tông hóa so với chuẩn quy định còn thấp, trong khi ngân sách ít...
Tương tự, huyện Ea H’leo cũng gặp rất nhiều khó khăn trong mục tiêu hoàn thành chương trình NTM ở tiêu chí giao thông. Hiện nay, hệ thống giao thông ở huyện có 214 km đường liên xã, liên huyện, 500 km đường liên thôn, buôn, trong đó tỷ lệ nhựa và bê tông hóa đường liên xã, liên huyện mới chỉ đạt 32,7%, đường liên thôn, buôn 9%, số lượng đường đất còn chiếm tỷ lệ 72%. Ông Nguyễn Ngọc Lài, Phó phòng Kinh tế Hạ tầng huyện cho biết: địa phương sẽ đẩy mạnh mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm với mục tiêu từng bước vững chắc. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chí theo quy định là rất khó khăn, bởi ngân sách hạn chế, mức sống người dân chưa cao.
Những con đường NTM từ “sức dân”
Trước những khó khăn trên, người dân các địa phương cũng chung sức cùng nhà nước làm giao thông nông thôn để góp phần xây dựng NTM bằng cách đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, phá bỏ cây trồng… để làm đường giao thông. Có thể kể một số điểm sáng như: nhân dân huyện Ea Kar đã đóng góp được gần 13 tỷ đồng làm hơn 100 km đường giao thông, trong đó gồm 2,8 tỷ đồng tiền mặt, 240.000 m2 đất, 1.800 m tường rào và gần 10.000 cây trồng các loại; người dân huyện Krông Pak đóng góp hơn 5 tỷ đồng xây dựng 17 km đường giao thông nông thôn; người dân TP. Buôn Ma Thuột đóng góp 6,8 tỷ đồng bê tông hóa 2,180 km đường thôn, buôn, mở rộng, làm mới 2,308 km; người dân huyện Cư Kuin đã tự nguyện giải tỏa mặt bằng và đóng góp 1,2 tỷ đồng cùng địa phương láng nhựa 9 km đường, 3 km bê tông; mở cấp phối 3,4 km…Tại xã Ea Kpam – huyện Cư M’gar, các thôn 1, 2, 8 bình quân hằng năm mỗi thôn làm được 1 km đường bê tông. Riêng ở thôn 2, từ năm 2007 đến nay, người dân đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng xây dựng 5 km đường bê tông và đang chuẩn bị thảm nhựa 1,3 km đường bằng sự đóng góp của người dân.
Trong khi đó, tại xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, người dân đã tự nguyện đóng góp tiền, hiến đất làm 10 km đường nhựa và bê tông. Điển hình là thôn 1, từ năm 2007 đến nay người dân đã làm được gần 3 km đường với số vốn hơn 1,5 tỷ đồng, theo tiêu chuẩn đường nhựa, nền đường rộng 7 mét, mặt đường 4 mét, đổ nhựa dày 5 cm cùng hệ thống mương thoát nước và hơn 100 đèn chiếu sáng khắp các trục đường chính của thôn. Theo đó, mỗi hộ đóng góp bình quân 6 – 7 triệu đồng, nhiều hộ dân tự động tháo dỡ hàng rào, chặt bỏ cây trồng để có con đường rộng và thẳng.
Phong trào thi đua xây dựng NTM đang có sức lan tỏa mạnh mẽ khắp các địa phương, nhiều tuyến đường giao thông được xây dựng từ sự đồng thuận của người dân. Nhờ vậy, hệ thống giao thông nông thôn từng bước được cải thiện, làm cho diện mạo NTM ngày càng khởi sắc, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống người dân.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc