Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới ở xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột): Tập trung nâng cao đời sống người dân

09:34, 21/08/2012

Mặc dù đã đạt 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, nhưng làm thế nào để nâng cao đời sống, thu nhập của người dân một cách bền vững là câu hỏi đang đặt ra nhiều thách thức đối với chính quyền và cả người dân xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột).

“Loay hoay” với tiêu chí thu nhập

“Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 16 triệu đồng/năm nhưng đây vẫn là tiêu chí khó hoàn thành nhất trong xây dựng nông thôn mới” - Phó Chủ tịch UBND xã Trần Kế Toán khẳng định như vậy khi chúng tôi đề cập đến công tác xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tiêu chí thu nhập như: toàn xã hiện có trên 3.300 hộ nhưng đồng bào dân tộc tại chỗ chiếm gần 50%; trong số 9.217 người ở độ tuổi lao động chỉ có 1.081 lao động đã được qua đào tạo; trên 82% dân số sống bằng sản xuất nông nghiệp, trong đó cà phê là cây trồng chủ lực nhưng phần lớn được trồng từ những năm 80 nên đã già cỗi, năng suất thấp. Trong khi đó, do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên người dân không thể cùng lúc nhổ bỏ toàn bộ diện tích cà phê già cỗi để trồng lại. Tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ trên địa bàn tuy có phát triển nhưng vẫn chỉ ở quy mô nhỏ với khoảng 400 hộ kinh doanh. Việc phát triển làng nghề hầu như nằm ngoài tầm tay bởi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê tuy vẫn được duy trì, tập trung ở buôn KMrơng Prông A và buôn Ju nhưng sản phẩm làm ra vẫn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định. “Về cơ bản, Ea Tu vẫn là xã nông nghiệp, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào cây cà phê. Vì vậy, định hướng chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp theo tiêu chí là rất khó thực hiện. Trong khi đang loay hoay tìm hướng đi thì trước mắt, UBND xã chỉ tập trung mọi nguồn lực, biện pháp nâng cao thu nhập cho người dân bằng chính thế mạnh của họ trong sản xuất nông nghiệp” - ông Toán cho biết thêm.

Vườn cây trồng xen của gia đình ông Y Hrah Êban (buôn Ko Tam).
Vườn cây trồng xen của gia đình ông Y Hrah Êban (buôn Ko Tam).

Đa dạng hóa cây trồng vật nuôi

Xác định sản xuất nông nghiệp là yếu tố chủ lực trong phát triển kinh tế, do đó thời gian qua chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trên cùng một đơn vị diện tích. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tái canh cà phê, tham gia các tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững với Công ty Cà phê Dak Man và các dự án cạnh tranh nông nghiệp, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều buổi hội thảo đầu bờ, đầu chuồng, xây dựng các mô hình trồng xen hiệu quả, phát triển kinh tế trang trại, hướng dẫn kỹ thuật làm phân vi sinh… nhằm giúp nông dân đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Để tạo điều kiện cho người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, lãnh đạo xã và các hội, đoàn thể đã mạnh dạn thay đổi cách thức tập huấn. Thay vì mời nông dân tập trung đến hội trường nghe lý thuyết suông như trước đây, cán bộ khuyến nông đã xuống tận thôn, buôn xây dựng mô hình, trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao những kỹ thuật người dân đang cần và cả kiến thức còn thiếu. Bên cạnh đó, UBND xã còn đầu tư xây dựng Thư viện điện tử - Trung tâm học tập cộng đồng với trên 500 đầu sách, băng đĩa, sổ tay hướng dẫn liên quan đến nhiều lĩnh vực như: phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, Luật Đất đai, giữ gìn vệ sinh môi trường, phong tục tập quán, xây dựng đời sống văn hóa… Đồng thời, giới thiệu thông tin, hình ảnh, địa chỉ các gương sản xuất kinh doanh giỏi, những mô hình hay để người dân tiện theo dõi, học tập. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình trồng xen hiệu quả như: cà phê xen tiêu, cà phê xen ca cao, cà phê xen cây ăn quả…

Trước đây, với 1,6 ha cà phê được trồng, chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm nên mỗi năm gia đình ông Y Hrah Êban (Ma Thông) ở buôn Ko Tam chỉ thu được khoảng 4 tấn nhân/năm nên cuộc sống, sinh hoạt 7 thành viên trong gia đình gặp khó khăn, thiếu thốn. Khi được chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng 100 gốc sầu riêng ghép vào diện tích cà phê sẵn có và tham gia tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững với Công ty Cà phê Dak Man. Được Công ty hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư phân bón, vườn cà phê ngày càng phát triển. Không những vậy, mỗi năm gia đình ông còn thu được khoảng 10 tấn sầu riêng, với giá bán trung bình từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí cũng thu lãi gần 100 triệu đồng. Ama Thông cho hay: “Nhờ cán bộ khuyến nông và cán bộ kỹ thuật của Công ty tận tình hướng dẫn nên bà con mình đã thay đổi dần cách nghĩ, cách làm, không theo kinh nghiệm như trước kia nữa mà mọi khâu từ trồng, chăm sóc, tỉa cành, bón phân đều tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng vườn cây ngày càng cao”. Hay như gia đình Y Khem Êban ở buôn KMrơng Prông B với 0,5 sào ruộng, trước đây trồng bằng giống lúa thường chỉ thu được 3-4 tạ. Sau khi được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống, gia đình ông cùng 49 hộ khác trong buôn đã chuyển sang trồng các giống lúa lai nên năng suất tăng gấp đôi, cuộc sống dần được cải thiện.

“Người dân không hiểu, không biết và không quyết tâm thực hiện sẽ không có nông thôn mới”. Điều đó khẳng định thêm vai trò chủ thể của người dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nên chính quyền xã Ea Tu đã và đang nỗ lực nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Tuy nhiên, để đạt tiêu chí thu nhập nói riêng và xã nông thôn mới nói chung theo đúng lộ trình, Ea Tu đang rất cần sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của các cấp, ngành.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc