Multimedia Đọc Báo in

Điện lực Nam Buôn Ma Thuột: Chủ động hỗ trợ khách hàng khắc phục đường dây sau công-tơ mất an toàn

13:49, 09/09/2012

Điện lực Nam Buôn Ma Thuột là một trong 15 Điện lực trực thuộc Công ty Điện lực Dak Lak, đảm nhận vai trò quản lý và phân phối điện cho gần 41.000 khách hàng. Trong thời gian qua, cùng với những nỗ lực trong việc cấp điện ổn định, liên tục đến khách hàng thì một trong những trăn trở của Điện lực Nam Buôn Ma Thuột là tình hình mất an toàn lưới điện sau công-tơ vẫn còn diễn ra ở nhiều điểm trên địa bàn quản lý. Chính vì vậy, đơn vị đã từng bước tìm cách khắc phục nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Công nhân Điện  lực  Nam Buôn  Ma Thuột tiến hành khắc phục  các  điểm mất  an  toàn.
Công nhân Điện lực Nam Buôn Ma Thuột tiến hành khắc phục các điểm mất an toàn.

Những điểm có đường dây sau công-tơ mất an toàn phần lớn thuộc tiếp nhận lưới điện khu vực xóa bán tổng hoặc cụm dân cư tự phát, nhà khách hàng nằm sâu trong hẻm, lô rẫy. Do trước đây không được hướng dẫn, tư vấn sử dụng điện an toàn nên các khách hàng chưa thực sự quan tâm đến an toàn sử dụng điện. Đặc biệt, các dây dẫn điện khách hàng sử dụng thuộc đủ mọi chủng loại, xa công-tơ nên dây điện dài, bị chùng và thường được đỡ bằng các cọc gỗ, trụ sắt hết sức tạm bợ, thậm chí có thể gãy, đổ bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, tình trạng này nếu để kéo dài không chỉ gây mất mỹ quan, mất an toàn mà còn gây tổn hao điện năng, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của khách hàng. Vì những lý do trên, thực hiện xây dựng, cải tạo, xử lý ngay các điểm này là việc làm cần thiết.

Theo quy định, đường dây sau công-tơ do khách hàng chịu chi phí và  trách nhiệm quản lý sử dụng. Nhưng trước thực trạng trên, Điện lực Nam Buôn Ma Thuột đã tổ chức rà soát các điểm mất an toàn, thông báo nguy cơ và biện pháp xử lý đến từng hộ sử dụng trước mùa mưa bão. Đồng thời, đơn vị lập từng phương án phù hợp với mỗi khu vực, sau đó cử cán bộ tổ chức gặp gỡ chính quyền địa phương và khách hàng vận động đầu tư cải tạo, đơn vị hỗ trợ khảo sát, thiết kế và thi công.

Được sự đồng thuận, ủng hộ của khách hàng,  Điện lực Nam Buôn Ma Thuột đã khảo sát, thiết kế và tiến hành thi công dựng trụ, thay cáp, di dời, sắp xếp lại  vị trí  trụ, bó cáp ở những điểm mất an toàn, di chuyển công-tơ đến vị trí hợp lý cũng như di dời các trụ điện nằm lấn đường gây mất an toàn, cản trở việc đi lại của bà con. Trong đó, có nhiều công trình có giá trị thiết thực, đáp ứng được yêu cầu của người dân như: Xử lý điểm mất an toàn tại hẻm 60 An Dương Vương; khối 10, phường Khánh Xuân; hẻm 118 đường Mai Hắc Đế; 100 Hoàng Hoa Thám; thôn 1, xã Ea Kao… Đến nay, đơn vị đã xử lý được nhiều “điểm đen” trên lưới và cấp điện ổn định cho khách hàng, bảo đảm an toàn cũng như mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, việc đơn vị chủ động hỗ trợ khách hàng khắc phục đường dây sau công tơ mất an toàn đã giúp người dân tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ. Theo ước tính, đối với mỗi công trình này, nếu người dân thuê khoán bên ngoài thực hiện chi phí sẽ tăng lên gấp đôi, trong đó chỉ tính riêng tiền nhân công, Điện lực Nam Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ cho khách hàng khoảng 15 - 20 triệu đồng/điểm xử lý. Một khách hàng ở hẻm 60 An Dương Vương cho biết: “ Thực ra, trước đây khi tình trạng này diễn ra, người dân chúng tôi cũng biết nhưng tặc lưỡi cho qua. Chỉ đến khi cán bộ Điện lực xuống làm việc, giải thích, vận động, chúng tôi mới hiểu rõ vấn đề và đồng lòng cùng ngành điện khắc phục. Đến nay, sau khi thực hiện cải tạo, đường dây gọn gàng, trụ bê tông chắc chắn, được thiết kế hợp lý, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, chúng tôi hoàn toàn hài lòng, yên tâm, không còn phải lo lắng khi trời mưa, trời gió nữa".

Ông Nguyễn Đình Lâm, Giám đốc Điện lực Nam Buôn Ma Thuột khẳng định: “Việc đơn vị cùng khách hàng chung tay xây dựng công trình an toàn điện có ý nghĩa xã hội vô cùng lớn. Cùng với việc đảm bảo lợi ích cho khách hàng còn góp phần vào việc củng cố mối quan hệ giữa khách hàng với ngành điện. Điều này hướng tới mục tiêu nâng cao công tác chăm sóc khách hàng mà Điện lực Nam Buôn Ma Thuột nói riêng cũng như toàn Công ty nói chung đang đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua”.

Hương Cẩm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.