Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Ana: Tập trung huy động các nguồn lực xây dựng đường giao thông nông thôn

07:42, 10/09/2012

  Trong những năm qua, huyện Krông Ana đã chú trọng tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng đường giao thông nông thôn nhằm đẩy mạnh giao thương hàng hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Đặc biệt, bên cạnh các nguồn vốn từ các chương trình, ngân sách Nhà nước, huyện đã huy động người dân đóng góp đáng kể cho phong trào xây dựng đường giao thông.

Đường bê tông ở thôn 4, xã Bình Hòa vừa được khánh thành.
Đường bê tông ở thôn 4, xã Bình Hòa vừa được khánh thành.

Con đường bê tông ở thôn 4, xã Bình Hòa có tổng chiều dài gần 5km vừa được khánh thành với tổng số kinh phí xây dựng 1,8 tỷ đồng, trong đó Nhà nước chỉ hỗ trợ hơn 200 triệu đồng bằng xi măng. Con đường được khánh thành khiến người dân rất phấn khởi bởi trước đây việc đi lại trên con đường này rất khó khăn. Mỗi năm nhân dân hai bên đường đều phải đóng góp từ 1-2 triệu đồng để tu sửa đường nhưng rồi sau mỗi mùa thu hoạch và  vận chuyển nông sản mặt đường lại xuống cấp. Cũng vì mặt đường hư hỏng mà tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra như: xe chở nông sản bị lầy, lật; học sinh đi học về bị thương do sập ổ gà…  Ông Lê Thanh Nghị, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa cho biết: “Từ khi tuyến đường này được xây dựng lại thì không có một vụ tai nạn nào xảy ra. Đường làm đến đâu điện thắp sáng đến đó. Hiện xã Bình Hòa có 7 thôn với tổng số gần 26 km đường giao thông nông thôn và đã bê tông hóa được gần 12%, cứng hóa được 50%. Xã đang phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ cứng hóa 70% tuyến giao thông nông thôn”.

Đến nay, 100% số xã của huyện Krông Ana đã có đường nhựa đến trung tâm huyện, 100% thôn, buôn có đường giao thông đến thôn, buôn, việc đi lại giao thương hàng hóa dễ dàng, thuận lợi hơn trước rất nhiều. Để có được thành quả này, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã có những cách làm linh hoạt trong huy động sức dân đóng góp làm đường. Chẳng hạn như: xã Bình Hòa đã huy động mỗi hộ dân trong xã đóng góp thêm 250.000 đồng/năm để chung tay làm đường nông thôn; các hộ nghèo tùy điều kiện tham gia, không có tiền thì đóng góp công sức, các hộ có kinh tế khá hơn thì ủng hộ thêm với tinh thần “Trâu béo kéo trâu gầy”. Vì thế, khi xây dựng con đường thôn 4, có hộ đã đóng góp đến 12 triệu đồng, nhưng cũng có 5 hộ chỉ tham gia hoàn toàn bằng ngày công lao động của mình. Bên cạnh đó, khi thi công làm đường giao thông nông thôn, hầu hết người dân đã tình nguyện dỡ bỏ cổng rào kiên cố, chặt bỏ cây cối hai bên đường và đóng góp ngày công làm đường. Với tinh thần này, chỉ tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay, huyện Krông Ana đã hoàn thành trải nhựa hoặc bê tông hóa nhiều tuyến đường giao thông nông thôn theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ông Phan Thanh Việt, chuyên viên Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Krông Ana cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện có các tuyến đường giao thông đã hoàn thành như: Tuyến từ tỉnh lộ 2 đi buôn Sa dài 2,4 km; đường nội vùng buôn Mlớt, xã Ea Bông dài 1,4 km; đường giao thông nông thôn  liên vùng Quỳnh Ngọc, xã Ea Na dài 0,5 km; đường giao thông nội buôn Knul, buôn Riăng, xã Ea Bông; đường nội buôn Đrai, xã Ea Na, đều có tổng chiều dài trên 0,5 km...Ước tính số tiền thực hiện là hơn 13,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh và trung ương hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 2 tỷ đồng và các nguồn vốn khác trên 6,2 tỷ đồng”.

Ngoài việc huy động sức dân đóng góp làm đường, huyện Krông Ana cũng đã vận dụng nhiều nguồn vốn từ các chương trình mà Chính phủ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số để làm giao thông nông thôn vùng sâu vùng xa. Đơn cử như đường giao thông nội buôn Krông, xã Dur Kmăl dài hơn 1,5 km trải nhựa đang được thi công với hình thức huy động từ nhiều nguồn vốn từ trung ương và địa phương với tổng số tiền là 1,8 tỷ đồng. Trong đó, xã Dur Kmăl vận động nhân dân đóng góp mỗi hộ từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy điều kiện từng hộ để làm đường. Anh Y Kiên Du, người dân buôn Krông cho biết: “Trong dòng họ tôi, ai cũng đóng góp tiền làm đường, có hộ chỉ góp 200.000 đồng, cũng có hộ góp đến 3 triệu đồng, có hộ ngày nào làm đường cũng cử người nhà tham gia làm. Mình làm đường cho mình đi mà. Phải làm đường chớ đợi Nhà nước lâu lắm”.

Với những cách làm linh hoạt trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, nông thôn Krông Ana sẽ sớm có một bộ mặt mới khang trang, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Xuân Hòa 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.