Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Vì sao tổng sản lượng lương thực nhiều năm không đạt kế hoạch?

09:37, 29/09/2012

Dù chưa kết thúc vụ sản xuất năm 2012, nhưng tổng sản lượng lương thực được dự báo là sẽ giảm hơn một nửa so với mục tiêu đề ra, trong đó có nguyên nhân do hạn hán. Tuy nhiên, điều đáng nói đây là năm thứ năm liên tiếp ngành Nông nghiệp huyện không đạt được mục tiêu lương thực đề ra cho từng năm…

Đầu tư  thâm canh  cây lúa  để bảo đảm  sản lượng  lương thực.
Đầu tư thâm canh cây lúa để bảo đảm sản lượng lương thực.

Theo thống kế, tổng diện tích gieo trồng hằng năm của huyện Krông Bông trên dưới 28.000 ha. Trong nhiều năm qua, mục tiêu về tổng sản lượng lương thực đều không đạt được so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là: Tổng sản lượng lương thực hằng năm được tính bằng tổng sản lượng cây có hạt, cụ thể là chỉ được tính bằng sản lượng của cây lúa, ngô, không tính các loại cây trồng khác như đậu đỗ, sắn… Trong khi đó, các loại cây lương thực chủ lực như lúa, ngô lai bị thu hẹp diện tích để nhường chỗ cho nhiều loại cây trồng khác. Tại huyện Krông Bông, diện tích lúa nước dù đã ổn định ở mức trên dưới 3.000 ha vụ đông xuân và khoảng trên 4.000 ha ở hè thu nhưng do không chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu chọn giống tốt, đầu tư thâm canh nên năng suất bình quân nhiều năm nay chỉ dừng lại ở mức dưới 5 tấn/ha. Diện tích cây ngô lai trước đây thường đạt từ 9.000 đến 9.500 ha và chủ yếu được gieo trồng ở vụ hè thu thì những năm gần đây đã bị thu hẹp do có sự cạnh tranh của cây sắn. Thống kê chưa đầy đủ, diện tích cây sắn năm 2012 ở huyện Krông Bông có khả năng vượt con số 5.000 ha, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2006.

Diện tích cây lương thực không tăng mà có xu hướng giảm, trong khi đó ngành Nông nghiệp huyện chưa có giải pháp tạo bước đột phá về mặt năng suất cho cây lúa, cây ngô nên mục tiêu sản lượng lương thực hàng năm đều không đạt kế hoạch là điều dễ hiểu. Trên thực tế, cách đây đã hơn 10 năm, lãnh đạo huyện đã định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất. Theo đó, huyện đã chỉ đạo cho các ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về sản xuất nông nghiệp, giúp bà con nông dân có điều kiện tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thâm canh, tăng vụ. Cụ thể như thông qua các mô hình trình diễn giới thiệu những loại giống cây trồng cho năng suất và giá trị sản phẩm cao, phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của địa phương, nâng cao hệ số sử dụng đất. Theo thống kê, năm 2011 tổng diện tích gieo trồng của huyện đã tăng trên 27.000 ha, nhiều địa phương trong huyện bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, hình thành các vùng chuyên canh cây rau màu trên cơ sở thâm canh, sử dụng giống mới có chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong, ngoài huyện. Tuy nhiên, tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều điều cần bàn. Chẳng hạn như tình trạng cạnh tranh cây trồng giữa cây sắn với cây ngô hè thu, giữa cây thuốc lá và các loại cây rau, quả với cây ngô thu đông và đông xuân vẫn còn diễn ra phổ biến. Còn trên lĩnh vực lâm nghiệp, việc thực hiện các chương trình trồng rừng phần nhiều vẫn còn “ăn theo” các chương trình, dự án chứ chưa được xã hội hóa một cách triệt để.

Để tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển vững chắc, ngành Nông nghiệp của huyện cần  xây dựng các chương trình, đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn. Các chương trình, đề án cần phải bám sát vào công tác quy hoạch sử dụng đất, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng từng vùng để bố trí sản xuất hợp lý hơn. Trong đó, phải xác định cho được loại cây trồng chủ lực, tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất, chẳng hạn như cây lúa nước và cây ngô lai cần phải lấy lại vị thế là cây lương thực chủ lực.

Phúc Trình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.