Multimedia Đọc Báo in

Nên lập nhật ký mua bán để chống thất thu

08:38, 28/09/2012

Ngành thuế đã và đang triển khai khá nhiều biện pháp chống thất thu thuế đối với lĩnh vực kinh doanh nông sản, đặc biệt là cà phê. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh, các biện pháp trên vẫn chưa kiểm soát hết tình trạng gian lận, nghĩa là thất thu thuế vẫn còn không nhỏ.

Một đại lý mua và bán cà phê trên địa bàn huyện Cư Kuin (ảnh minh họa).
Một đại lý mua và bán cà phê trên địa bàn huyện Cư Kuin (ảnh minh họa).

Chẳng hạn, biện pháp chống thất thu trên khâu lưu thông bằng hình thức cán bộ thuế phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông xử lý các trường hợp vận chuyển hàng hóa không đầy đủ hóa đơn, chứng từ hiện đang gặp khá nhiều trở ngại. Việc phối hợp này chỉ được thực hiện theo hình thức cán bộ thuế phát hiện phương tiện vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn thì điện báo nhờ lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra; hoặc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành, nếu phát hiện phương tiện vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ thì lực lượng cảnh sát báo cơ quan thuế đến xử lý. Chính vì lực lượng cảnh sát giao thông không được phép tham gia làm chung với các đoàn kiểm tra của cơ quan thuế nên kết quả mang lại còn hạn chế, nhất là trong điều kiện không ít người kinh doanh chỉ xuất bán hàng vào ban đêm, ngày lễ, nghỉ. Thực tế đã có những trường hợp 1 tờ hóa đơn được sử dụng cho nhiều chuyến hàng trong ngày; hóa đơn xuất bán hàng hóa không ghi ngày tháng và cầm cả cuốn hóa đơn theo, khi gặp lực lượng kiểm tra mới điền các thông tin vào để đối phó; thậm chí, có trường hợp sau khi xuất bán hàng thì hủy hóa đơn, không kê khai thuế… gây thất thu cho ngân sách rất lớn. Tương tự, đối với biện pháp chống thất thu thuế thu nhập DN bằng hình thức xây dựng ngưỡng kiểm soát, quản lý rủi ro với mức thu nhập chịu thuế/doanh thu là 0,3% cũng vậy. Cơ quan thuế đặt ra mục tiêu yêu cầu DN, hộ kinh doanh có tỷ lệ thu nhập chịu thuế/doanh thu nhỏ hơn 0,3% giải trình nguyên nhân. Trong trường hợp cần thiết sẽ tiến hành thanh kiểm tra theo quy định. Thực tế cho thấy, sau gần 2 năm triển khai biện pháp này, số DN, hộ kinh doanh đạt tỷ lệ thu nhập chịu thuế/doanh thu từ 0,3% trở lên đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, vẫn còn không ít DN, hộ kinh doanh lợi dụng việc giá cà phê tăng giảm liên tục, lập sổ sách không đầy đủ hoặc theo kiểu “mua cao, bán thấp” nhằm giấu doanh thu và trốn thuế vẫn còn diễn ra.

Để hạn chế tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, ngành thuế cần nghiên cứu, áp dụng thêm biện pháp lập nhật ký theo dõi tình hình kinh doanh từng ngày của các DN, hộ kinh doanh trong lĩnh vực này nhằm quản lý thuế hiệu quả hơn. Theo đó, cơ quan thuế huyện, thị xã, thành phố lập một loại sổ (tạm gọi là nhật ký mua bán) để giao cho các DN, hộ kinh doanh nông sản. Nhật ký này thể hiện đầy đủ các thông tin liên quan đến việc mua bán trong ngày, như: khối lượng, chủng loại, giá cả, người bán, người mua… DN, hộ kinh doanh nông sản có trách nhiệm ghi chép đầy đủ hoạt động mua bán trong ngày vào sổ này. Cuối mỗi ngày làm việc hoặc bất kỳ thời gian nào trong ngày, cán bộ thuế sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất và ghi chép lại thông tin từ sổ này vào sổ của cơ quan thuế. Sau mỗi lần kiểm tra, cán bộ thuế và đại diện DN, hộ kinh doanh ký xác nhận vào sổ của nhau để làm cơ sở đối chiếu. “Cách làm này cũng không thể xử lý tận gốc tình trạng gian lận thuế nhưng ít nhất cơ quan thuế cũng cập nhật khá chính xác diễn biến giá cả, số lượng hàng hóa mua bán mỗi ngày của từng DN, hộ kinh doanh. Điều này không chỉ góp phần hạn chế được tình trạng lợi dụng sự biến động của giá cả để kê khống giá, số lượng, khối lượng mua bán mà còn giúp cơ quan thuế có được những thông tin chính thức phục vụ việc đấu tranh, xử lý các trường hợp gian lận thuế. Hình thức này cũng đã được một số chi cục thuế áp dụng và bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, nên chăng cục thuế tỉnh cần nghiên cứu, triển khai áp dụng thống nhất trên toàn tỉnh, tránh tình trạng so bì giữa những người nộp thuế với nhau”, đại diện một hộ kinh doanh cho biết.

Mỗi hình thức chống thất thu có những ưu, nhược điểm nhất định. Chính vì thế, việc áp dụng tổng hợp nhiều hình thức sẽ giúp cơ quan thuế quản lý tốt hơn, mang lại sự công bằng cho những người nộp thuế.

Trần Sáu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.