Multimedia Đọc Báo in

Nhà máy chế biến ướt cà phê vối đầu tiên do nông hộ sở hữu

16:08, 19/09/2012

Năm 2008, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (thôn 1, xã Ea Kiết, Cư M’gar) được thành lập trên cơ sở một tổ liên kết sản xuất cà phê bền vững với 49 hội viên. Thông qua Công ty TNHH Dak Man Việt Nam, HTX được Quỹ Thách thức Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy với hệ thống dây chuyền chế biến ướt cà phê vối, công suất 5-7 tấn cà phê tươi/giờ. Đây là mô hình chế biến ướt cà phê vối đầu tiên do nông hộ sở hữu và vận hành.

Những vườn cà phê xanh tốt của HTX
Diện tích vườn cây tham gia mô hình sản xuất cà phê bền vững của HTX được chăm sóc bài bản

Ông Trần Thanh Sơn, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết: Các xã viên muốn tham gia hệ thống chế biến này, trong qúa trình sản xuất cà phê phải đáp ứng bộ tiêu chí với 4 yếu tố: môi trường, kinh tế, xã hội và bảo đảm công bằng. Cụ thể như phải tuân thủ quy trình kỹ thuật về phun thuốc, bón phân, cắt cành; thu hái đạt tỷ lệ quả chín 80% trở lên; cà phê sau khi thu hoạch, trong vòng 24 giờ phải đưa vào hệ thống chế biến ướt. Sản phẩm cà phê nhân làm ra đáp ứng đủ, đúng các yêu cầu sẽ được cấp chứng nhận Thương mại công bằng (Fair-trade). Chấp thuận với những tiêu chí đưa ra, đến nay HTX đã có 56 xã viên tham gia mô hình với tổng diện tích 120 ha cà phê. Ngay trong niên vụ đầu tiên 2009-2010, gần 400 tấn cà phê của HTX đã được đưa vào hệ thống dây chuyền chế biến ướt, bảo đảm chất lượng. Gần đây nhất, niên vụ 2011-2012, HTX đã xuất bán được 415 tấn cà phê nhân có chứng nhận Fair-trade. Điều hấp dẫn nông dân – xã viên của HTX khi tham gia mô hình sản xuất này là cà phê được cấp chứng nhận Fair-trade có giá bán cao hơn giá thị trường từ 1.500 đến 2.500 đồng/kg, quan trọng nữa là không phải lo kho bãi cất giữ, bảo quản. Ông Võ Quốc Mỹ ở thôn 5 (xã Ea Kiết), với diện tích cà phê của gia đình là 2 ha, trước đây trung bình mỗi mùa vụ ông thu về 8 tấn cà phê nhân, từ khi tham gia mô hình sản xuất cà phê bền vững nói trên, sản lượng cà phê đã tăng thêm 1 đến – 1,5 tấn. Ngoài ra, ông được hỗ trợ về kỹ thuật, một số giống cây ăn qủa trồng xen trong vườn vừa đem lại thu nhập vừa làm cây che bóng.

Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: Đầu ra cho sản phẩm của HTX ổn định thì việc phát triển xã viên của HTX là không giới hạn. Và ông Phúc tin tưởng, hệ thống chế biến ướt cà phê vối của HTX sẽ ngày càng gia tăng giá trị cho sản phẩm cà phê, giải quyết được một trong những điểm yếu lớn nhất của ngành cà phê Việt Nam là khâu chế biến còn sơ sài, ảnh hưởng lớn đến phẩm cấp của cà phê.

Đàm Thuần

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.