Multimedia Đọc Báo in

Phát triển hạ tầng giao thông: Đưa buôn làng gần với đô thị

12:06, 01/09/2012

 

Những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại, giao thương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ đời sống dân sinh và đưa buôn làng xa xôi gần hơn với thành thị.

Hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, người dân  đi lại thuận lợi hơn.
Hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, người dân đi lại thuận lợi hơn.

Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ Dak Lak đã được định hình với tổng chiều dài 7.581Km, trong đó có 5 tuyến quốc lộ (14, 14C, 26, 27 và 29), 13 tuyến đường tỉnh (tổng chiều dài 457 km), 71 tuyến đường huyện (dài 956 km), 760 tuyến đường xã (dài 2.393 km). Các tuyến quốc lộ (QL) phần lớn đã được nhựa hóa, tạo sự giao thương, kết nối giữa Dak Lak với các tỉnh bạn: QL 14 đi Gia Lai, Dak Nông, QL 26 đi Khánh Hòa, QL 27 đi Lâm Đồng, QL 29 đi Phú Yên. Cùng với đó, các tuyến đường chiến lược 14C, đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn sẽ giúp Tây Nguyên nối liền các vùng kinh tế Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung và nước bạn Campuchia. Bên cạnh đó, các tuyến đường tỉnh, huyện, xã đã và đang từng bước được nhựa, bê tông hóa.

QL 29 (trước đây là đường liên tỉnh Dak Lak - Phú Yên) là tuyến giao thông quốc gia ra đời mới nhất, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó bắt đầu từ cảng biển Vũng Rô (Phú Yên) thông đến cửa khẩu quốc gia Dak Ruê (Dak Lak), đồng thời, nối với cửa khẩu Chi Miết (tỉnh Mondunkiri, Campuchia) và đường xuyên Á qua Lào. Đây còn là cầu nối, tăng cường giao thương hàng hóa giữa 2 tỉnh Dak Lak – Phú Yên và các tỉnh khu vực ven biển miền Trung với những mặt hàng thế mạnh như cà phê, tiêu, cao su, lâm, thủy sản. Đặc biệt, tuyến đường này đi qua nhiều buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số nên góp phần ổn định an ninh chính trị, nâng cao đời sống, sản xuất của đồng bào dọc tuyến.

Cùng với phát triển hệ thống cầu đường, chưa kể mạng lưới vận tải liên tỉnh, vận tải hành khách nội tỉnh và tỉnh lân cận Dak Nông bằng xe buýt cũng phát triển mạnh, với 17 tuyến (nội tỉnh) và 4 tuyến đi các huyện, thị của tỉnh Dak Nông, mỗi ngày có hơn 1.000 lượt xe đi và về. Một số địa phương vùng sâu, vùng xa cũng có tuyến xe buýt đến nơi như: xã Cư Drăm (huyện Krông Bông), xã Ea Lê (huyện Ea Súp), xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar)… Chị Tẩn Thị La (thôn Cư Jăc, xã Cư Drăm, Krông Bông) phấn khởi chia sẻ: Từ khi có tuyến xe buýt thị trấn Krông Kmar - Cư Drăm thì mỗi khi đan được chiếc khăn hay cái áo, chỉ mất 20.000 đồng đi xe buýt ra thị trấn để bán được giá hơn so với bán ở chợ xã. Xã Cư Drăm có 25 km tỉnh lộ 12 và đường Đông Trường Sơn chạy qua, hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Ama Nho, Chủ tịch UBND xã cho biết, Đường giao thông được Nhà nước đầu tư xây dựng, người dân rất vui mừng vì đi lại thuận lợi hơn, đồng bào ở các buôn xa có thể ra trung tâm xã đi chợ hàng ngày, củ sắn, hạt bắp làm ra dễ bán, trẻ em đi học cũng thuận lợi.

Ông Lê Xuân Biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đã khẳng định: Những chuyển biến trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải thời gian qua là nhờ sự quan tâm của Nhà nước, chủ trương xã hội hóa và sự đồng thuận của người dân, qua đó tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Mục tiêu của ngành đến năm 2020 là tiếp tục nâng cấp các công trình giao thông đường bộ hiện có, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông vận tải, nhựa hoặc bê tông hóa toàn bộ các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường đô thị.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc