Multimedia Đọc Báo in

Sắn... “đắng”!

05:32, 26/09/2012

Hơn 1 năm trở lại đây, giá sắn đột ngột giảm mạnh, người dân bán ra khó khăn, số phận cây sắn trên đất Dak Lak hiện giờ lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, thu hoạch thì lỗ mà để lưu vụ cũng chẳng xong! Trong khi, sự liên kết giữa 4 nhà vẫn còn khá rời rạc.

Thời điểm mùa mưa này, nhiều hộ dân huyện Ea Kar lưu trữ sắn khô tại nhà chờ giá, nhưng bị ẩm mốc xuống cấp.
Thời điểm mùa mưa này, nhiều hộ dân huyện Ea Kar lưu trữ sắn khô tại nhà chờ giá, nhưng bị ẩm mốc xuống cấp.

Cái giá của việc trồng sắn tự phát

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Dak Lak, niên vụ sắn 2011-2012, toàn tỉnh có khoảng 35.000 ha sắn, tập trung chủ yếu tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Bông, Ea H’leo. Mặc dù đến thời điểm này, việc thu hoạch sắn đại trà đã qua hơn 5 tháng, nhưng vẫn còn khá nhiều diện tích đang được bà con lưu vụ chờ đến năm sau (theo thống kê sơ bộ còn trên 20%, tương đương 600 ha sắn chưa thu hoạch). Nguyên nhân chủ yếu là do giá sắn quá thấp, trong khi các tư thương lại tìm mọi cách ép giá người dân như phân loại sắn khi mua với mức giá chênh lệch lớn so với giá thị trường, ít mua xô, chưa kể, nhiều khu vực trồng sắn của bà con ở vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn về giao thông, vận chuyển thì tư thương không muốn vào mua, người dân phải tự vận chuyển ra ngoài trung tâm xã, thị trấn mới bán được. Chị Trương Thị Nhàn ở xã Ia Tờ Mốt, huyện Ea Súp ngậm ngùi: Giá sắn mọi năm lên cao nên niên vụ vừa qua gia đình chị đã đầu tư thêm được 30 ha, chi phí cây giống, phân bón khoảng 25 triệu đồng/ha. Nhưng ngay từ đầu vụ thu hoạch, khoảng tháng 3 đến tháng 5-2012 thì giá đã xuống còn 1.500/kg củ tươi (giảm hơn năm trước đó khoảng 1.000 đồng/kg) và hiện nay chỉ còn từ 800-1.000 đồng/kg củ tươi. Nhiều hộ dân đành tìm cách không bán củ tươi mà thái lát phơi, sấy khô đóng bao chất đống trong nhà chờ giá lên mới bán. Nhưng xem ra vẫn hoài công, bởi giá sắn khô cũng không khởi sắc hơn là mấy, chỉ 2.500 đồng/kg. Thời điểm này lại đang là mùa mưa nên việc bảo quản sắn càng thêm khó khăn, sắn bị mốc, xuống màu, thối… khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh “khóc dở, mếu dở”! Chưa hết, việc thuê nhân công thu hoạch sắn từ đầu vụ đến nay cũng lên cao, bình quân 150-170 nghìn đồng/người bao cả ăn uống, tính ra mỗi ha cũng phải mất gần 10 triệu đồng dành riêng cho việc này. Anh Nguyễn Trường Xuân, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn than thở: Thời điểm này nếu bà con thu hoạch sắn bán sẽ càng lỗ nặng, cứ để lưu vụ còn có cơ hội giá lên, hơn là thu về nhà mà “ngậm quả đắng”.

Bên cạnh việc sắn rớt giá thì niên vụ sắn 2011-2012, năng suất cũng giảm hẳn so với những năm trước đây, nguyên nhân là do trong giai đoạn cây sắn tạo củ (khoảng từ tháng 11-2011 đến tháng 2 năm nay) gặp thời tiết bất lợi, ảnh hưởng của sương muối nên không ít diện tích sắn trong tỉnh bị khô lá, ngọn, chết. Cùng với đó là tập quán canh tác của bà con còn kém, nhiều năm liền đều trồng độc canh cây sắn trên cùng một diện tích đất, mà ít chú trọng chăm sóc, bón phân, cải tạo đất… nên năng suất niên vụ sau tất yếu sẽ giảm hơn niên vụ trước. Chỉ tính riêng niên vụ sắn 2010-2011, trung bình mỗi ha đạt 40 tấn củ tươi, đến nay chỉ còn khoảng 30 tấn củ tươi/ha, vì vậy bà con không còn thiết tha với việc thu hoạch và trồng mới thêm diện tích sắn nữa. Câu chuyện về cây sắn thêm một lần nữa cảnh báo hậu quả của việc sản xuất tự phát, ồ ạt theo phong trào.

Rời rạc mối  liên kết bốn nhà

Những năm 2009- 2010, giá sắn tăng cao, mỗi ha có thể lãi từ 20-30 triệu đồng nên đã kích thích người dân nhiều địa phương trong tỉnh đổ xô trồng, có hộ trồng từ một vài ha đến hàng chục ha. Tuy nhiên, đến thời điểm từ cuối năm 2011 đến nay, giá sắn liên tục giảm, người dân chạy theo phong trào trồng sắn giờ đây mới cảm thấy hối hận, hậu quả đó cũng một phần là do thiếu sự liên kết với các nhà máy thu mua (cả trong, ngoài tỉnh), người nông dân không ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm vì sợ doanh nghiệp ép cấp, ép giá thấp hơn so với giá thị trường, còn doanh nghiệp lo sợ sau khi ký kết hợp đồng, người dân nhận tiền đầu tư khi thu hoạch không bán cho nhà máy mà bán cho tư thương. Trong khi đó, hiện các nhà máy chế biến tinh bột sắn cũng không còn mặn mà với việc ký kết hợp đồng với người dân nữa, bởi nhiều lý do khác nhau. Ông Đặng Thái, Giám đốc Công ty TNHH MTV chế biến tinh bột sắn Chim Cánh Cụt, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo cho hay, hiện nay thị trường đầu ra của hầu hết các đơn vị sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn đang rất chậm, kéo theo công suất hoạt động của các nhà máy giảm mạnh. Nguyên nhân chính là do thị trường sắn tinh chế phần lớn phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang Trung Quốc, do năm nay thị trường này giảm lượng nhập khẩu hàng của Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp đang điêu đứng. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao, sản phẩm tiêu thụ chậm, giá cả lại bị thị trường nước ngoài o ép, nợ đọng của các đơn vị đặt hàng còn nhiều, nên vốn lưu động các nhà máy khó khăn. Điều này đang khiến nhiều Công ty chế biến tinh bột sắn khó đứng vững. Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, việc báo cáo của các địa phương về diện tích sắn trên địa bàn cũng mới chỉ là con số ước đoán, rất khó nắm được số liệu cụ thể, bởi nhiều người dân trồng mà không khai báo, có hộ lấn chiếm đất rừng, đồi tự nhiên để trồng… Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp cũng chỉ còn cách khuyến cáo bà con không nên chạy đua trồng sắn mà nên đầu tư đa cây đa con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững theo kế hoạch của địa phương, đồng thời, giới thiệu, hỗ trợ đến người dân áp dụng hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kêu gọi các nhà doanh nghiệp cần thu mua nông sản với mức giá ổn định, tương xứng với công sức của người nông dân bỏ ra.

Vấn đề mất mùa rớt giá, phát triển ào ạt theo phong trào, không tìm kiếm thị trường tiêu thụ… đang đẩy người nông dân vào tình thế khó khăn. Bài toán liên kết “bốn nhà” đã đặt ra từ lâu, song lời giải vẫn còn bỏ ngỏ!

 Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc