Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Khó hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2012

21:22, 29/09/2012

Kết quả thu ngân sách 8 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ và dự toán được giao năm 2012, khiến chính quyền TP. Buôn Ma Thuột rất lo lắng, sốt ruột. Hiện cơ quan thuế đang tập trung phối hợp nhân lực cùng thực hiện nhiệm vụ này, nhưng xem ra khó khăn vẫn còn chồng chất phía trước.

Nộp hồ sơ khai thuế tại Cục Thuế tỉnh.
Nộp hồ sơ khai thuế tại Cục Thuế tỉnh.

Ông Trần Văn Ánh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột cho biết, trong năm 2012, dự toán thu thuế, phí và lệ phí của thành phố gần 933 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 8-2012 mới được hơn 499 tỷ đồng, đạt 53% dự toán HĐND thành phố giao và xấp xỉ 90% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn thu giảm ngoài lý do thực hiện các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), VAT thì tình hình kinh tế khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế bị ngưng trệ là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng xấu đến kết quả nộp ngân sách Nhà nước. Chẳng hạn, Chi cục thuế hiện đang quản lý khoảng 2.400 DN, nhưng chỉ trong 8 tháng đầu năm đã có hơn 880 lượt DN không phát sinh số thuế phải nộp; gần 175 DN tạm ngưng kinh doanh và xấp xỉ 150 DN giải thể, tự ý bỏ kinh doanh… khiến cho số nộp ngân sách cũng giảm theo, có khu vực mới thu được khoảng 42% dự toán. Cụ thể, dự toán năm 2012 giao thu từ khu vực DN Nhà nước Trung ương là 21,3 tỷ đồng nhưng đến hết tháng 8-2012 mới thu được hơn 13 tỷ đồng; DN Nhà nước địa phương gần 17 tỷ/25,5 tỷ đồng dự toán giao; khu vực ngoài quốc doanh hơn 253 tỷ/gần 608 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân hơn 30 tỷ/53 tỷ đồng; lệ phí trước bạ gần 68 tỷ/132 tỷ đồng… Điểm đáng quan tâm không chỉ số thu 8 tháng đầu năm đạt thấp mà dự kiến những tháng còn lại của năm 2012 tình hình cũng chẳng khá hơn. Theo kết quả phân tích, dự báo nguồn thu của Chi cục Thuế thành phố, trong 4 tháng còn lại của năm 2012, nếu tổ chức thu tốt và người nộp thuế nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ của mình thì cũng chỉ có thể thu được từ khu vực DN Nhà nước Trung ương trên 6,6 tỷ đồng, tính ra cả năm thu xấp xỉ 20 tỷ đồng, thiếu so với dự toán hơn 1 tỷ đồng; DN Nhà nước địa phương thu thêm được hơn 6 tỷ đồng, lũy kế cả năm được 23 tỷ đồng, còn thiếu gần 2,5 tỷ đồng nữa mới hoàn thành dự toán; ước thu 4 tháng của khu vực ngoài quốc doanh khoảng 122 tỷ đồng, lũy kế cả năm thu được gần 376 tỷ đồng, nghĩa là còn thiếu chừng 232 tỷ đồng so với dự toán được giao…

Kết quả thu thuế, phí và lệ phí của thành phố trong 8 tháng đầu năm và những dự báo của các tháng còn lại trong năm cho thấy khó có khả năng hoàn thành dự toán được giao. Điều này không chỉ khiến cơ quan thuế mà chính quyền thành phố cũng hết sức lo lắng và đang dốc sức triển khai hàng loạt biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác thu ngân sách, vừa tăng cường xử lý nợ đọng, vừa tập trung đôn đốc, vận động người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ, hạn chế phát sinh nợ thuế. Chỉ tính riêng lĩnh vực thu nợ, hiện tại, Ban chỉ đạo thu nợ, xử lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (gọi tắt là Ban chỉ đạo thu nợ) tại cả 2 cơ quan là UBND thành phố và Chi cục Thuế cũng đang hoạt động hết công suất, tập trung theo dõi, đôn đốc và triển khai các biện pháp thu hồi nợ đọng. Đối với Ban chỉ đạo thu nợ Chi cục thuế, từ nay đến cuối năm, mỗi tháng sẽ tiến hành làm việc, đôn đốc thu nợ của khoảng 40-50 DN có số nợ thuế lớn. Riêng đối với Ban chỉ đạo thu nợ của thành phố (do Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban), mỗi tháng cũng sẽ tiến hành đôn đốc thu nợ với khoảng 20 DN theo danh sách Chi cục Thuế cung cấp. Ngoài ra, Chi cục Thuế cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban quản lý dự án, ngân hàng, kho bạc để nắm thông tin về tiến độ thi công công trình của DN xây dựng, tư vấn và theo dõi chặt chẽ số dư tài khoản, kịp thời thu ngay số thuế khi DN được chủ đầu tư thanh toán tiền đầu tư xây dựng…

Dù đã thực hiện tổng hợp các biện pháp, một cách tích cực nhưng do tình hình sản xuất kinh doanh của người nộp thuế gặp nhiều khó khăn nên việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với đà này, việc hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2012 là hết sức khó khăn”.

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.