Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn): Người dân tự nguyện hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới

13:54, 09/09/2012

Năm 2011, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) được chọn làm mô hình điểm của huyện và của tỉnh về  xây dựng nông thôn mới. Một trong những tiêu chí hàng đầu mà xã đặt ra đó là nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn. Vấn đề này đã đặt ra không ít khó khăn đối với địa phương bởi việc mở rộng đường sẽ liên quan đến đất đai, hoa màu, vật kiến trúc của người dân. Tuy nhiên, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên hầu hết người dân đều đồng tình hưởng ứng. Nhiều hộ đã tự nguyện phá bỏ hoa màu, vật kiến trúc của gia đình để hiến đất  làm đường giao thông nông thôn.

Trước đây, nhiều tuyến đường nông thôn trên địa bàn xã Ea Bar rất nhỏ hẹp, nhất là vào mùa mưa, đường lầy lội, gây khó khăn cho việc đi lại và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân. Để thực hiện tốt chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn, chính quyền xã Ea Bar đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu được chương trình xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng, trong đó rất cần có sự chung tay góp sức của người dân. Các chi bộ, Ban Tự quản thôn, buôn và các đoàn thể đã tổ chức họp dân để đề xuất việc đóng góp, trong đó cán bộ, đảng viên, hội viên là những người gương mẫu đi đầu trong việc đóng góp để nhân dân làm theo. Cách làm này đã tạo ra được sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân. Tính từ năm 2011 đến nay, xã Ea Bar đã vận động được gần 100 hộ hiến đất để làm đường nông thôn. Tiêu biểu như gia đình ông Trần Văn Nhiễn  ở thôn 18 đã hiến 300m2 đất sản xuất của gia đình để làm mương thoát nước thải đường xung quanh chợ Ea Bar;  ông Văn Đình Ngõ ở thôn 15 đã hiến 100m2 đất thổ cư và tự dỡ bỏ 20m tường rào kiên cố để làm đường; ông Phạm Văn Sự ở thôn 8 đã hiến 200m2 đất ruộng lúa 2 vụ để làm đường nội đồng tại cánh đồng B thôn 12…

Từ sự đóng góp của nhân dân, hiện nay nhiều tuyến đường liên thôn buôn và giao thông nội đồng  ở xã Ea Bar đã và đang được mở rộng, qua đó, từng bước làm thay đổi diện mạo của xã, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc thực hiện các tiêu chí khác trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.