Multimedia Đọc Báo in

Cần có biện pháp khả thi đưa vốn ra nền kinh tế

05:15, 09/10/2012

Tính đến hết tháng 9-2012, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt khoảng 10.050 tỷ đồng, dù tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước nhưng mới chỉ tương đương hơn 61% kế hoạch.

Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh trong những tháng đầu năm nay, cả người dân lẫn doanh nghiệp (DN) đều cùng chung một nhận xét là có quá nhiều khó khăn tác động, dù đã nỗ lực vượt bậc nhưng cũng không tránh khỏi thiệt hại. Chẳng hạn, trong lĩnh vực trồng trọt, tình hình hạn hán diễn ra ngay giữa mùa mưa tại nhiều huyện, thị xã đã làm mất trắng hơn 12.000ha, giảm năng suất gần 22.000ha cây trồng các loại. Theo tính toán chưa đầy đủ, tổng giá trị thiệt hại gần 560 tỷ đồng. Tương tự, lĩnh vực chăn nuôi, dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn đã bùng phát ở 115/184 xã, phường, thị trấn thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố. Tính đến nay, có vài chục ngàn con lợn bị bệnh, chết và tiêu hủy với tổng trọng lượng vào khoảng 410 tấn, gây cho người chăn nuôi nhiều thiệt hại. Cũng giống như nông nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp cũng gặp không ít khó khăn cả sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm, vì thế giá trị sản xuất trong 9 tháng đầu năm mới đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tương đương gần 67% kế hoạch. Sản xuất kinh doanh gặp khó khiến tình trạng DN làm thủ tục giải thể và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN (do nợ thuế) có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong khi số DN đăng ký mới thì vẫn giảm. Toàn tỉnh có hơn 6.400 DN nhưng trong 9 tháng qua, đã có gần 160 DN gửi thông báo tạm ngưng hoạt động đến cơ quan thuế, khoảng 165 DN bỏ địa chỉ kinh doanh và hơn 65 DN đang làm thủ tục chấm dứt mã số thuế… DN sản xuất kinh doanh gặp khó khăn đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy, người lao động mất việc làm, đóng góp cho ngân sách Nhà nước cũng giảm theo.

Biện pháp nào để đưa vốn từ ngân hàng ra phục vụ nền kinh tế ?
Biện pháp nào để đưa vốn từ ngân hàng ra phục vụ nền kinh tế ?

Theo dự báo của UBND tỉnh, trong 3 tháng cuối năm 2012 tình hình còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế chung, thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao… Để thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra, tỉnh cũng đã xây dựng hàng loạt giải pháp và chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện, trong đó có việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường phát triển. Đóng góp thêm về các giải pháp này của UBND tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải có biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho các thành phần kinh tế. Trong điều kiện cả nền kinh tế cùng “khát” vốn nhưng tăng trưởng tín dụng lại liên tục giảm, tính đến hết tháng 9-2012 tổng dư nợ cho vay nền kinh tế chỉ khoảng 30.790 tỷ đồng, tức giảm trên 3% so với đầu năm, đây là con số cần được phân tích, đánh giá một cách nghiêm túc, chính xác để có biện pháp tháo gỡ phù hợp. Phía NH thì cho rằng đã liên tục giảm lãi suất cho vay, không ngừng nỗ lực tìm kiếm khách hàng để giải ngân nhưng tín dụng vẫn không tăng trưởng được mà nguyên nhân chính vẫn là khách hàng không đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết. Trái lại, phía khách hàng thì cho rằng vẫn khó tiếp cận các nguồn vốn từ NH; chuyện NH đưa ra các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm mục đích quảng bá cho thương hiệu là chính vì luôn kèm theo các điều kiện ngặt nghèo, bình thường cũng ít có khách hàng nào đáp ứng được chứ chưa nói trong điều kiện sản xuất kinh doanh trì trệ, hàng tồn kho lớn như hiện nay! Chính vì thế, việc tháo gỡ khó khăn về vốn phải được thực hiện đồng bộ ở cả 2 nội dung: xử lý nợ cũ và cho vay mới. Đối với số nợ cũ, trọng tâm là đẩy mạnh việc cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ theo hướng kéo dài thời gian trả nợ; cho vay mới để trả nợ cũ (không nhằm mục đích che giấu nợ xấu); miễn, giảm lãi vay nhằm giúp khách hàng có thêm điều kiện ổn định và phát triển sản xuất. Cùng với đó, việc điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam cũng cần phải được đẩy nhanh cả về tiến độ lẫn phạm vi. Nói như Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Trần Minh Tuấn, trong điều kiện hiện nay việc điều chỉnh giảm lãi suất về mức tối đa 15%/năm rất có ý nghĩa giúp DN giảm bớt chi phí vốn, nên cần phải tập trung làm nhanh. Đối với việc cho vay mới, giải pháp hữu hiệu nhất là UBND tỉnh nên chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá lại tình hình vay và sử dụng vốn vay của các thành phần kinh tế trên địa bàn; thống kê số khách hàng không vay được vốn NH; nêu rõ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các NH và những đề xuất tháo gỡ. Mặt khác, UBND tỉnh cũng phải làm việc với các NH thương mại trên địa bàn để đánh giá cụ thể mức độ giải ngân các nguồn vốn ưu đãi mà NH đưa ra thời gian qua; xác định chính xác khả năng cung ứng vốn, lĩnh vực ưu tiên vốn tín dụng của từng tổ chức tín dụng. “Chỉ khi có được đầy đủ thông tin về thực trạng vay vốn của khách hàng; khả năng cung ứng vốn của từng tổ chức tín dụng thì UBND tỉnh mới có thể điều hành kết nối các bên lại với nhau, đưa vốn ra phục vụ nền kinh tế”, giám đốc một DN tư nhân đề xuất.

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.