Multimedia Đọc Báo in

“Chợ nhân công” mùa thu hoạch cà phê

07:50, 23/10/2012

Cũng như mọi năm, Dak Lak và các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2012 – 2013, do đó vấn đề nhân công thu hái cà phê càng được quan tâm hơn. Thời điểm này, có một đội ngũ lao động ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung đổ về Dak Lak tìm mối hái thuê cà phê cùng người tìm thuê nhân công tập trung lại đã tạo nên những “chợ nhân công” tự phát...

Kỳ 1: “Khát”… nhân công hái cà phê thời vụ

Mới vào đầu vụ thu hoạch, nhưng do các hộ trồng cà phê ai cũng muốn thu hoạch nhanh gọn vườn rẫy của mình để tránh mất trộm…, nên đã tìm đủ mọi cách thuê người hái, dẫn đến tình trạng “khát” nhân công, đẩy giá thuê lên cao.

Họp “chợ” bên đường

Những ngày này, tại các địa điểm như trước cổng Bến xe phía Bắc Buôn Ma Thuột, ngã ba Cuôr Đăng, ngã ba Hòa Bình… đều xuất hiện những “chợ nhân công”, tập trung nhiều chủ hộ trồng cà phê tìm đến thuê người hái, lao động ở các tỉnh khác về và đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cũng đến đây để tìm việc làm. Dù năm nay, nhiều vườn cà phê mất mùa do già cỗi và gặp mưa nhiều vào thời điểm ra hoa, nhưng do thiếu lao động thu hoạch nên giá thuê nhân công tăng cao. Theo những người trồng cà phê cho biết, mặc dù hiện nay mới vào đầu vụ thu hoạch, nhưng giá thuê nhân công đã đội lên cao hơn những năm trước từ 20.000 - 30.000 đồng/ngày, trung bình 130.000 đồng/người/ngày, bao luôn ăn ở. Theo dự đoán của các hộ trồng cà phê, vào thời điểm thu hoạch rộ thì giá nhân công sẽ còn tăng cao hơn.

Chợ nhân công ở bến xe phía Bắc (ảnh minh họa)
Chợ nhân công ở bến xe phía Bắc (ảnh minh họa)

Chúng tôi có mặt tại Bến xe phía Bắc Buôn Ma Thuột, một chiếc xe khách Bắc - Nam vào bến, vài hành khách vừa bước xuống xe liền bị nhiều người dân, tài xế xe ôm xúm lại hỏi có đi hái cà phê thuê không? Anh Phạm Văn Trung, ở xã Ea Knuêch – huyện Krông Pak đang chờ tìm thuê lao động thu hái cà phê, cho biết: “Tôi đã chờ ở đây  ngày thứ ba rồi, nhưng vẫn chưa tìm được người nào. Các năm trước, giá nhân công rẻ, lại dễ tìm, còn năm nay, mới đầu mùa thu hoạch mà nhân công đã khan hiếm rồi, trả tiền công cao cũng không tìm được người, khi vào thời điểm thu hoạch rộ tìm đâu ra người đây!”. Thấy anh Trí quê ở huyện Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh vừa khoác ba lô xuống xe, một người đàn ông chạy đến nhanh nhảu: “Đi hái cà phê à? Thuê theo ngày thì công 120.000 đồng/người, còn nếu thuê cả tháng thì 3,5 triệu đồng/người/tháng, bao ăn!”. Anh Trí nhận lời và lập tức được “ông chủ” chở về rẫy cà phê ở huyện Cư Kuin. Trong khi đó, tại huyện Krông Năng, địa phương có diện tích cà phê lớn của tỉnh, chuyện thuê nhân công hái cà phê càng “nóng” hơn. Nhiều người trồng cà phê ở đây phải đến thị xã Buôn Hồ và khu vực ngã ba Nam Đàn (huyện Krông Buk) để thuê người hái. Anh Cao Văn Huy ở xã Ea Toh, cho biết, năm nào cũng vậy, đầu vụ thu hoạch là anh lại ra thị xã Buôn Hồ tìm người hái cà phê, nhưng hiện mới thuê được một người, phải thuê thêm 4 người nữa mới đủ hái hơn 2,5 ha cà phê sắp chín rộ.

Cảnh giác với “cò” nhân công

Hiện nay, tại các “chợ” cà phê có một bộ phận “cò” chuyên tìm những người lao động vừa chân ướt chân ráo vào Tây Nguyên hái cà phê thuê rồi giới thiệu cho những chủ rẫy cà phê có nhu cầu thuê người để kiếm tiền hoa hồng. Những người này chủ yếu là chạy xe ôm, lái taxi hoặc không có công việc ổn định, thường xuyên có mặt tại “chợ” để tìm “hàng”. Mỗi lần giới thiệu với chủ rẫy, “cò” nhân công thường được trả 20.000 – 50.000 đồng. Thậm chí, có một số “cò” còn lợi dụng sự nhẹ dạ của những người đi tìm mối hái cà phê thuê để lừa lấy tiền và tài sản hoặc chở vòng vèo rồi chặt chém giá.

Không những thế, các “chợ nhân công” và “cò” nhân công còn xuất hiện trên mạng Internet. Trên một số website có những thông báo, quảng cáo với nội dung cần tuyển người hái cà phê thuê, ai có nhu cầu thì liên hệ để được giới thiệu với người cần thuê. Cụ thể, tại trang web taynguyen24h.com.vn có quảng cáo nội dung: “Để tạo ra đầu mối điều phối nhu cầu lao động cũng như phân bố nguồn lao động cho phù hợp trong mỗi mùa vụ cà phê, chúng tôi được sự ủy nhiệm của các hộ trồng cà phê thông báo tuyển trên 100 lao động phổ thông để cung cấp cho các hộ gia đình tại các tỉnh Tây Nguyên trong vụ thu hoạch cà phê năm 2012. Đến với chúng tôi bạn sẽ có rất nhiều cái lợi: có ngay địa chỉ người cần thuê, các chủ rẫy cà phê sẽ bao ăn ở trong thời gian thu hoạch, được trả lương cao, lương do bạn tự thỏa thuận với chủ, không phải mất bất cứ khoản chi phí nào”. Ngoài những thông tin trên, quảng cáo này cũng đưa cả số điện thoại và địa chỉ email để liên hệ. Trong vai người tìm việc hái cà phê thuê, chúng tôi gọi tới số điện thoại trang web cung cấp thì được đề nghị nói rõ tên, tuổi, số điện thoại liên hệ và hẹn lúc nào bố trí được người thuê sẽ thông báo lại (?!)

Vào mùa cà phê, nhu cầu thuê người thu hái là rất lớn, lợi dụng điều này, một số “cò” nhân công đã tìm cách lừa đảo những người đi tìm mối hái cà phê thuê. Điển hình như vụ việc mới xảy ra đầu tháng 10 vừa qua: 26 người dân nghèo ở huyện Sông Hinh và Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) bị “cò” nhân công lừa thuê đi hái cà phê ở Dak Lak, với tiền lương 3,6 triệu đồng/người/tháng, bao ăn, ở và tiền xe, nhưng “cò” lại đưa họ sang tỉnh Lâm Đồng bán cho một doanh nghiệp môi giới lao động bắt làm việc rất nặng nhọc. Ai không làm nổi phải gọi điện thoại về gia đình gửi tiền đến “chuộc” mới được về nhà. Vì vậy, những người đi hái cà phê thuê nên gặp trực tiếp chủ hộ trồng cà phê để tìm hiểu cụ thể về diện tích, thời gian thuê, điều kiện ăn ở và tiền công để tránh bị lừa.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.