Multimedia Đọc Báo in

“Chợ nhân công” mùa thu hoạch cà phê

08:26, 24/10/2012

Kỳ II: Phận làm thuê...

Thời điểm Tây Nguyên bước vào mùa thu hoạch cà phê thì ở miền Bắc và miền Trung lại vào mùa mưa… Ở quê không có việc gì làm, nhiều người kéo lên Dak Lak đi thu hoạch cà phê kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình.

Nhân công hái thuê cà phê... mỗi người, mỗi cảnh!

Dạo quanh những “chợ nhân công” cà phê, chúng tôi bắt gặp nhiều người quê ở các tỉnh miền Trung đất đai cằn cỗi, thiên nhiên khắc nghiệt, có người phải gánh chịu hậu quả nặng nề cùng nỗi ám ảnh sau những cơn bão lũ vừa qua dường như vẫn còn hằn trên khuôn mặt khắc khổ của họ. Bởi vậy, trong chuyến đi tìm việc này, nhiều người hy vọng sẽ kiếm được khoản tiền kha khá về giúp gia đình vượt qua khó khăn và may thêm cho con bộ quần áo mới cho dịp tết sắp đến. Anh Phạm Văn Thọ, quê ở Nam Đàn - Nghệ An làm thuê cho một chủ rẫy cà phê ở xã Hòa Đông – huyện Krông Pak kể về hoàn cảnh ngặt nghèo của mình: “Trận lũ hồi tháng chín vừa qua khiến mùa màng quê tôi mất trắng, cả nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên giờ chẳng biết bấu víu vào đâu. Vợ thì sức khỏe không tốt, hai con nhỏ đang tuổi ăn học, rời gia đình vào đây tôi chỉ mong kiếm được ít tiền gửi về nuôi vợ con!” Tương tự, gia cảnh anh Trần Hữu Linh cũng không khá gì hơn. Anh quê ở huyện Ngọc Lặc – Thanh Hóa nhưng nhà nghèo, dịp này ở quê không biết làm gì nên phải gửi con nhờ ông bà ngoại trông nom, hai vợ chồng vào Dak Lak hái cà phê thuê. Mới vào được 3 ngày nhưng chị Nga vợ anh sút mất mấy ký vì nhớ con không ngủ được. Anh Linh tâm sự “Khổ lắm chú ơi, nhìn các cháu nhỏ ở đây lại thương con đứt ruột nhưng đành chịu!”

Nhân công thu hái cà phê.
Nhân công thu hái cà phê.

Trong số những người đi hái cà phê thuê, ngoài lứa tuổi trung niên mưu sinh kiếm tiền lo cho gia đình thì cũng có những bạn trẻ chấp nhận vất vả để có tiền thực hiện ước mơ còn dang dở của mình. Đã làm quen với công việc được mấy ngày nhưng cô bé Thơm vẫn chưa hết lo lắng vì lần đầu tiên đi hái cà phê, sợ không kham nổi đến hết mùa thu hoạch. Em mới 19 tuổi, quê ở huyện Thăng Bình – Quảng Nam, vừa tốt nghiệp THPT, nhưng không có tiền đi thi đại học, ở nhà không có việc làm nên vào Dak Lak hái cà phê cho người bà con. “Xong mùa cà phê, em sẽ về Đà Nẵng vừa đi làm kiếm tiền vừa ôn thi để sang năm thi vào Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng”, Thơm hồn nhiên chia sẻ.

Nỗi lo của chủ và khách

Rất khó khăn để thuê được nhân công hái cà phê, nhưng các chủ vườn và người làm thuê đều chung nỗi lo có những vấn đề nảy sinh trong mùa thu hoạch cà phê. Vào mùa thu hoạch cà phê, Tây Nguyên đang trong giai đoạn chuyển mùa, trời có thể mưa bất cứ lúc nào. Đó là nỗi lo lớn nhất của người trồng cà phê trong mùa thu hoạch, bởi, trời mưa thì người hái cà phê thuê không đi làm được, nhưng chủ vườn vẫn phải nuôi ăn, ở và trả tiền công. Anh Ngô Xuân An (xã Pơng Drang – huyện Krông Buk) có 3 ha cà phê sắp đến ngày thu hoạch rộ nên anh đã liên hệ “đặt cọc” trước để thuê 7 người ở ngoài quê (Anh Sơn – Nghệ An) ít ngày nữa sẽ vào. Theo tính toán của anh, với từng đó người ăn, ở trong nhà thì chỉ cần trời đổ mưa không đi làm được là ngày đó anh mất toi mấy trăm ngàn. Anh chia sẻ: Với người trồng cà phê, vào mùa thu hoạch, nỗi lo lớn nhất là trời mưa.

Những nhân công hái thuê cà phê giúp rút ngắn thời gian thu hoạch.
Những nhân công hái thuê cà phê giúp rút ngắn thời gian thu hoạch.

Những người hái cà phê thuê được chủ nhà nuôi ăn, ở giống như một thành viên trong gia đình nên chi phí rất tốn kém. Thời gian cao điểm thu hoạch cà phê thường kéo dài ít nhất một tháng nên số tiền này là không hề nhỏ, nhất là trong thời buổi giá cả sinh hoạt tăng cao nên gánh nặng về việc nuôi nhân công của các gia chủ càng nặng hơn, và đây cũng là nỗi lo thường trực của các chủ hộ trồng cà phê trong lúc này. Để người hái cà phê làm việc hiệu quả, chủ nhà lo tất tần tật từ ăn, ở, quần áo lao động đến thuốc men khi đau ốm, chi phí mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng/người. Tâm lý của các chủ vườn cà phê là không đành lòng để người làm ăn uống không tốt.  Trong khi đó, những vị “khách” đặc biệt của các chủ vườn cà phê cũng luôn canh cánh nỗi nhớ nhà, cùng công việc nặng nhọc, những người hái cà phê thuê sợ nhất lúc này là đau ốm hoặc tai nạn bất ngờ. Bởi, hái cà phê chỉ mang tính thời vụ, nếu không may đau ốm thì phải về quê, kèm theo đó là cũng mất đi nguồn thu nhập. Trường hợp của anh Thịnh (quê Đô Lương – Nghệ An) là một ví dụ: Cách đây mấy năm, anh vào Dak Lak hái cà phê thuê mới được hơn một tuần thì không may bị ngã gãy tay phải về quê, tiền công làm thuê không đủ tiền thuốc. Tình thế của anh Bùi Duy Hưng (quê Quảng Nam) còn đáng thương hơn. Anh và em gái là Bùi Thị Tư vào hái cà phê cho nhà bà dì ruột ở Krông Ana. Nhưng gần đến ngày hái thì chị Tư lên cơn sốt xuất huyết, nằm liệt giường. Một mình anh Hưng phải đi làm cật lực kiếm tiền thuốc thang cho em và gửi về cho gia đình ở quê… Từ các câu chuyện trên, những người đi hái cà phê thuê nên chú trọng bảo vệ sức khỏe, không làm việc quá sức để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc