“Chợ nhân công” mùa thu hoạch cà phê
Kỳ cuối: ...Và những hệ lụy
Những người hái cà phê thuê theo niên vụ, cùng với việc có được khoản thu nhập kha khá cho gia đình và giúp người trồng cà phê rút ngắn thời gian thu hoạch, thì nhiều nơi chính họ cũng đã gây ra không ít rắc rối về an ninh, trật tự...
Trộm cắp, giết người
Hiện Dak Lak có khoảng 200.000 ha cà phê, theo tính toán của cơ quan chức năng, để thu hoạch hết diện tích này một cách nhanh gọn, đúng lịch thời vụ, ngoài nguồn nhân công tại chỗ thì lực lượng hái cà phê thuê ngoại tỉnh đổ về mỗi mùa khoảng 8.000 – 10.000 người. Đây là sức ép rất lớn đối với những người làm công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở các địa phương có diện tích cà phê, từ công tác quản lý nhân khẩu, bảo đảm an toàn cho vườn cà phê, đến việc hạn chế trộm cắp và các tệ nạn xã hội. Già làng Y Hơh K’buôr (buôn Prông A, xã Ea Tu – TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: Vào mùa thu hoạch cà phê, buôn làng rộn ràng hẳn lên, ai cũng phấn khởi. Nhưng nhiều thanh niên có tiền công hái cà rủ nhau ăn nhậu say xỉn rồi gây gổ đánh nhau gây mất an ninh trật tự.
Tổ dân phòng xã Ea Tu tuần tra bảo vệ trong mùa thu hoạch cà phê. |
Do nhân công thu hoạch cà phê rất khan hiếm nên các chủ rẫy thường tìm mọi cách để thuê cho được người hái, cốt là đủ sức khỏe và có chứng minh nhân dân mà không hề quan tâm đến nhân thân, lai lịch của người đó. Đặc biệt, rất ít người trồng cà phê đăng ký tạm trú với chính quyền sở tại cho những nhân công mình thuê, mặc dù thời gian họ lưu trú tại địa phương ít nhất là một tháng. Chính sự dễ dãi này khiến cho một bộ phận người hái cà phê thuê lợi dụng trộm cắp cà phê và tài sản khác của chủ vườn. Một trong những vụ việc tiêu biểu mà Công an TP. Buôn Ma Thuột ghi nhận là: Trong mùa thu hoạch cà phê năm 2011, ông Nguyễn Minh Quyền (trú tại buôn Sút, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) thuê 5 nhân công, quê ở các tỉnh phía Bắc hái cà phê cho gia đình tại xã Ea Tu – TP. Buôn Ma Thuột. Lợi dụng chủ vườn ít có thời gian gần gũi, theo sát, các đối tượng Hoàng Văn Mạnh, Phan Thanh Tùng, Nguyễn Châu Thanh, Nguyễn Thị Hai và Trần Thị Hà đã trộm của ông Quyền tổng cộng hơn 1 tấn cà phê đem bán cho Đoàn Văn Định (trú tại thôn 4, xã Ea Tu). Cơ quan công an đã khởi tố vụ án để điều tra và bắt giam 6 đối tượng trên.
Không chỉ trộm cắp, nhiều người hái cà phê thuê đổ xô lên Dak Lak và các tỉnh Tây Nguyên thời gian gần đây cũng đã gây ra một vài vụ án hình sự nghiêm trọng, như vụ việc người làm thuê sát hại ông bà chủ rẫy cà phê mới xảy ra tại Lâm Đồng: Vợ chồng ông Kiều Văn Tư (41 tuổi) và Nguyễn Thị Hoài (38 tuổi), ở xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) thuê Nguyễn Văn Thư (18 tuổi, trú tại huyện Thành Phú, tỉnh Bến Tre) và Nguyễn Thành Luân (17 tuổi, ngụ ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) hái cà phê. Chiều 21-10, hai đối tượng này đã dùng dây và típ sắt sát hại vợ chồng ông Tư. Công an huyện Lâm Hà phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng nhanh chóng huy động lực lượng chặn các ngả đường tẩu thoát của nghi phạm giết người, đến đêm cùng ngày, bắt gọn hai đối tượng khi đang tìm đường lẩn trốn về TP.Hồ Chí Minh.
Để có một mùa thu hoạch cà phê trọn vẹn
Năm nay, để có mùa thu hoạch cà phê an toàn, trọn vẹn, các địa phương trong tỉnh đã có kế hoạch triển khai nhiều biện pháp quản lý đội ngũ nhân công hái cà phê thuê và bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Huyện Cư M’gar hiện có 40.000 ha cà phê, trong đó trên 34.000 ha kinh doanh. Trước mùa thu hoạch, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nhằm bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, trong đó có biện pháp quản lý chặt chẽ lực lượng nhân công hái cà phê thuê. Tương tự xã Ea Tu – TP. Buôn Ma Thuột có hơn 1.400 ha cà phê đang vào thời kỳ thu hoạch rộ, từ đầu tháng 10, UBND xã đã ban hành một số quy định như: các hộ có nhu cầu thuê lao động ở trên 30 ngày thì bắt buộc phải đăng ký tạm trú tại công an xã (dưới 30 ngày thì thông báo lưu trú); nghiêm cấm mọi người không được tự tiện vào rẫy cà phê của người khác khi chưa được đồng ý của chủ hộ; yêu cầu các hộ thu mua cà phê phải ký cam kết với chính quyền địa phương về việc không mua sản phẩm cà phê trộm cắp; những người vận chuyển cà phê sau 21 giờ phải báo cáo với công an hoặc ban tự quản thôn, buôn và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của sản phẩm… Bên cạnh đó, lực lượng công an và xã đội lập hai tổ tuần tra, canh gác thường xuyên trên địa bàn, các tuyến đường quan trọng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về an ninh, trật tự. Ông Vũ Viết Bằng, Trưởng công an xã Ea Tu cho biết: những năm trước tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn thời điểm thu hoạch cà phê rất phức tạp, một số đối tượng từ các nơi khác đến trà trộn để trộm cắp và gây rối trật tự. Năm nay, địa phương thực hiện các biện pháp quyết liệt để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, giúp người dân có một mùa thu hoạch cà phê thắng lợi.
Tuy nhiên, bên cạnh vai trò quản lý của chính quyền và ngành chức năng về công tác bảo đảm an ninh trật tự thì cũng cần đóng góp tích cực của những chủ vườn cà phê, khi thuê mướn nhân công phải cẩn trọng trong việc chọn người để loại trừ những đối tượng xấu; đồng thời, chấp hành tốt việc đăng ký tạm trú cho người làm thuê với chính quyền địa phương...
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc