Multimedia Đọc Báo in

Dak Lak khai thác sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng

14:20, 26/10/2012

Những năm vừa qua, trước tốc độ phát triển nhanh phụ tải của cả nước (trên 16%) và tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mực nước tại các hồ đập thủy điện trong cả nước thấp, dẫn đến không thể phát điện, hoặc phát với sản lượng điện thấp.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư xây dựng nguồn điện không đáp ứng được tốc độ phát triển của phụ tải, vì vậy, nguồn cung cấp điện trong cả nước bị thiếu hụt so với nhu cầu sử dụng. Vận động toàn dân sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả được Chính phủ quan tâm và đang trở thành phong trào thi đua trong cả nước. Là tỉnh có tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo, triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngoài việc phát động phong trào thi đua tiết kiệm điện sâu rộng trong các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, Dak Lak còn khai thác sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo Đề án Đánh giá hiện trạng và xây dựng chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của tỉnh Dak Lak giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020, sản xuất công nghiệp là ngành tiêu thụ điện năng khá lớn, chiếm trên 29% tổng lượng điện năng tiêu thụ. Trong số trên 8.700 cơ sở sản xuất công nghiệp, có 14 đơn vị có mức tiêu thụ điện năng trên 1 triệu kWh/năm. Qua khảo sát, có 17% doanh nghiệp có phát hiện tổn thất và lãng phí năng lượng trong quá trình sản xuất; 67% doanh nghiệp quan tâm đặt ra mục tiêu tiết giảm chi phí năng lượng hằng năm; khoảng 40% doanh nghiệp có kế hoạch đổi mới công nghệ và đầu tư các thiết bị hiệu suất cao. Đối với lĩnh vực dân cư tiêu dùng (tiêu thụ điện năng lớn nhất), chiếm trên 60% tổng số điện năng tiêu thụ toàn tỉnh, với  380.000 hộ gia đình, trong đó 25% dân số tập trung ở thành thị và 75% dân số ở nông thôn. Mức tiêu thụ điện bình quân trên đầu người tăng từ 203 kWh năm 2005 lên 415 kWh năm 2010. Trước nhu cầu sử dụng năng lượng không ngừng tăng, cùng với việc phát động các phong trào thi đua tiết kiệm điện, chiến lược phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh quan tâm. Thủy điện được xem là một trong những ngành tiềm năng của tỉnh, theo thống kê của Sở Công thương, đến tháng 8-2012 trên địa bàn tỉnh, ngành Điện đã đưa vào vận hành và sử dụng 12 nhà máy thủy điện nhỏ dưới 30 MW với tổng công suất là 73,14 MW. Các nhà máy thủy điện này đã góp phần ổn định hệ thống điện của tỉnh, cho nên ngay cả khi hệ thống điện quốc gia thiếu hụt hoặc gặp sự cố, nguồn điện từ các nhà máy này vẫn bảo đảm duy trì cấp điện phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, nguồn điện từ các nhà máy này còn góp phần giảm tải cho một số trạm biến áp trung gian 110 KV, bảo đảm ổn định hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng và được khuyến khích sử dụng trên địa bàn Dak Lak là năng lượng mặt trời. Năm 2002, dự án hợp tác giữa NRW Cộng hòa Liên bang Đức và Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam đã triển khai mô hình thí điểm về ứng dụng điện mặt trời phục vụ đời sống sinh hoạt tại buôn Chăm (huyện Ea H’leo). Đây là buôn đầu tiên của khu vực Tây Nguyên sử dụng điện mặt trời. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ có một dự án đầu tư lắp đặt pin mặt trời quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Dự án hiện đang được trình phê duyệt, nếu được sẽ  triển khai cho 2.360 hộ gia đình của 33 thôn, buôn thuộc 4 huyện: Lak, Ea Kar, M’Drak, Krông Năng, với công suất khoảng 100 kWh/hộ/tháng. Là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, cho nên tiềm năng về năng lượng sinh khối, khí sinh học cũng đang được quan tâm khai thác. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đến năm 2010, trong khuôn khổ chương trình khí sinh học quốc gia cho ngành chăn nuôi, tỉnh đã đào tạo được 21 kỹ thuật viên, xây dựng 3947 công trình biogas. Thấy được lợi ích từ việc tận dụng khí sinh học phục vụ đời sống sản xuất,  tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, người chăn nuôi đã tự đầu tư xây dựng thêm khoảng 6.000 công trình.

Với nguồn năng lượng tái tạo phong phú và tiềm năng, việc đầu tư khai thác, sử dụng hợp lý đã và đang góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Như khẳng định của ông Nguyễn Văn Long, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương), Dak Lak là một trong những tỉnh của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên triển khai hiệu quả Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Qua đó, không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh, mà còn góp phần cùng với cả nước đạt mục tiêu tiết kiệm trong giai đoạn 2012-2015 là 20% lượng điện năng tiêu thụ.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.