Multimedia Đọc Báo in

Đánh tráo nhãn hàng hóa, chuyện thật như đùa

09:52, 21/10/2012

Sau nhiều vụ bê bối về thực phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, người tiêu dùng (NTD) ngày càng tỏ ra thận trọng hơn với các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc. Trước tình hình đó, tiểu thương tại một số chợ trên địa bàn tỉnh lại cố tình đánh tráo nhãn hàng hóa để…lừa người mua.

Trên thị trường, hàng giả, hàng kém chất lượng, pha tẩm hóa chất độc hại (có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc) vẫn được bày bán tràn lan, từ đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử, quần áo, giày dép đến mỹ phẩm, thực phẩm khô, tươi sống… Do NTD cảnh giác cao độ, ngại mua phải hàng dởm, nên các tiểu thương muốn bán được hàng phải “gắn mác” khác cho hàng Trung Quốc thành Úc, Mỹ, Việt, để đánh lừa khách hàng, bán được giá cao hoặc bán chạy hàng hơn.

Còn nhớ, cách đây không lâu, có thông tin cho rằng, táo Trung Quốc được bọc trong túi có tẩm thuốc trừ sâu, khiến nhiều NTD tỏ ra dè chừng đến nguồn gốc của sản phẩm này trước khi chọn mua. Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều tiểu thương tại các chợ lại cố tình mập mờ xuất xứ của sản phẩm như tìm cách “né” từ Trung Quốc để bán cho được hàng. Ghé bất cứ quầy trái cây nào trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có bán táo, nho…, người bán đều quảng cáo với khách hàng đây là trái cây nhập từ Mỹ, Nhật, Úc… mà tuyệt nhiên không hề có loại trái nào là của Trung Quốc (?!) Trong khi đó, giá các mặt hàng này nếu là hàng của Mỹ, Nhật sẽ có giá cao gấp 3 lần so với hàng Trung Quốc. Trái nho được bày bán tràn lan dọc các tuyến đường lớn và chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, với giá từ 35-40.000 đồng/ kg. Điều khôi hài là tuy cùng một loại quả - mẫu mã, hình thức như nhau - nhưng mỗi tiểu thương lại giới thiệu với khách hàng theo cách tùy hứng, người nói đó là nho Mỹ, người thì khẳng định nho Bình Thuận, tiểu thương khác lại cho rằng, nho chuyển từ TP. Hồ Chí Minh lên(!) Trong khi theo thông tin từ phía các cơ quan chức năng thì tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, loại quả này được xác định là nho Trung Quốc “đội lốt” nho Mỹ, nếu mua ở các chợ đầu mối chỉ 6.000 đồng/ kg.

Một quầy hàng thực phẩm khô.
Một quầy hàng thực phẩm khô.

Không chỉ vậy, ở các quầy hàng tại nhiều chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột không thiếu những củ cà rốt, khoai tây to, da bóng mượt, màu sắc bắt mắt, đặc biệt, có thể để được rất lâu mà không sợ hư, thối. Một tiểu thương tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột tiết lộ, trong số thực phẩm trên, chỉ có các loại rau là lấy từ nguồn cung của địa phương còn hầu hết mặt hàng củ, quả đều nhập từ Trung Quốc, được các tiểu thương tháo bao bì, “phù phép” thành củ, quả Đà Lạt, bán rất chạy hàng. Thực phẩm tươi sống đã vậy, ở hàng thực phẩm khô cũng không ngoại lệ. Tại một số chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, một ký măng khô (lát măng bản to, dày, sậm màu) được tiểu thương bán 180.000 đồng/kg, trong khi một gian hàng khác cách đó không xa, cũng mặt hàng này, được bán với giá 200.000 đồng/kg, kèm theo lời giải thích của người bán: hàng quầy bên kia nhập từ Trung Quốc nên giá rẻ, còn hàng này do các hợp tác xã trong tỉnh làm ra, chất lượng bảo đảm nên tuy giá thành có cao hơn một chút! Để thuyết phục khách hàng, tiểu thương này lý giải thêm: măng Trung Quốc có màu đậm chứ không nhạt màu như hàng nội, có mùi nặng hơn (hơi ngai ngái-mùi hóa chất), không phải là mùi thơm đặc trưng của măng thật.

Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, hành vi vi phạm nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm phổ biến nhất vẫn là hàng hóa không rõ nguồn gốc, không bao bì, nhãn mác, có xuất xứ từ Trung Quốc… được bày bán công khai. Trong quá trình kiểm tra, đơn vị đã phát hiện có trường hợp tiểu thương tự ý “thay áo mới” cho sản phẩm bằng cách tháo bao bì có in dòng chữ Trung Quốc và cho vào những túi đựng khác; tập trung nhiều nhất là mặt hàng xí muội, ô mai, mứt… Khi đến tay NTD, các sản phẩm này được đóng thành từng gói nhỏ (mà không ghi bất cứ một thông tin gì) để bán lẻ hoặc bán theo ký.

Trước sự đa dạng của thị trường hàng hóa, NTD chẳng biết đâu là sản phẩm ngoại nhập, đâu là hàng nội bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, có một thực tế là, trước sự cảnh giác của NTD, tiểu thương có muôn vàn cách đánh tráo nhãn mác của sản phẩm, nhất là “né” cái tên Trung Quốc. Riêng một số chủ sạp kinh doanh rau, củ, quả cũng tìm cách lập lờ đánh tráo NTD, từ củ, quả Trung Quốc được gắn mác của Đà Lạt… Rõ ràng, NTD đã và đang bị đánh lừa về nguồn gốc sản phẩm - thông tin quan trọng mà lẽ ra bất cứ NTD nào cũng có quyền được biết trước khi chọn mua cho mình một mặt hàng nào đó.

P. V


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.