Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nỗ lực vượt khó

06:12, 08/10/2012

Vượt khó bằng nguồn vốn nội bộ

Trong 2 năm 2011-2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhưng cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Việt Nguyên (TP.Buôn Ma Thuột) vẫn vươn lên trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), từng bước khẳng định vị trí của mình trên địa bàn tỉnh và khu vực Tây Nguyên.

Xưởng bê tông cơ khí của Công ty Việt Nguyên.
Xưởng bê tông cơ khí của Công ty Việt Nguyên.

Bước sang năm 2012, lại thêm khó khăn mới, số lượng công trình giảm nhiều, giá vật tư thiết bị tăng cao, lãi suất ngân hàng có nhiều biến động. Để duy trì hoạt động sản xuất một cách hiệu quả, ngay từ đầu năm lãnh đạo Công ty đã phát động phong trào góp vốn nội bộ trong toàn thể cán bộ công nhân viên. Với mức lãi nhẹ, thấp hơn doanh nghiệp (DN) đi vay ngân hàng, nhưng cao hơn so với người lao động đem gửi tiết kiệm. Điều đáng nói ở đây là cả DN và người lao động đều có lợi, trong đó DN thì duy trì và phát triển được sản xuất, còn người lao động thì luôn có việc làm và thu nhập đều đặn qua tiền lương và lãi vay DN trả cho họ. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay 100% công nhân tham gia góp vốn cho Công ty được gần 14 tỷ đồng. Anh Nguyễn Từ Liêm, Quản đốc xưởng bê tông cơ khí cho hay, từ khi Công ty phát động phong trào, cán bộ, công nhân ai cũng đồng tình, người có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, có người góp vốn tới hàng trăm triệu đồng, người ít nhất cũng 5 triệu đồng, bằng tiền mặt, vàng, đô-la Mỹ đều được. Có người còn huy động người thân, bạn bè cùng tham gia vào phong trào này. Nhờ đó, Công ty luôn chủ động mở rộng thị trường đầu tư cho các công trình thủy điện Dak Nông 1, thủy điện Dak Rông (tỉnh Dak Nông), công trình điện cửa khẩu Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai), cùng với việc tận dụng lòng hồ các công trình thủy điện để nuôi trồng thủy sản, tăng thêm thu nhập cho người lao động. Nói về hoạt động của đơn vị mình, ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Công ty bộc bạch, đối với những công trình bức thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân như điện, nước thì Công ty sẽ huy động tối đa lực lượng thi công hoàn thành đúng tiến độ; những công trình trọng điểm, ngoài việc bố trí đủ số lượng, còn phải chú trọng tới vấn đề sắp xếp đội ngũ kỹ sư và lao động có tay nghề cao để bảo đảm chất lượng công trình đúng như hợp đồng ký kết.

Với những nỗ lực trên, 9 tháng qua tổng doanh thu của Công ty đạt hơn 75 tỷ đồng, bằng 59% kế hoạch; nộp ngân sách gần 6 tỷ đồng, bằng 66,5% kế hoạch; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho người lao động với mức lương bình quân 6,9 triệu đồng/tháng. Công ty đã vinh dự được nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế-xã hội, dẫn đầu toàn diện trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Dak Lak và nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính về thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2011.

Khẳng định thương hiệu từ giống bơ chất lượng cao

Bơ được xem là loại cây trồng có nhiều tiềm năng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù của Tây Nguyên nói chung và Dak Lak nói riêng, vì vậy, những năm gần đây, không ít nhà vườn trong ngoài tỉnh đang đổ xô ươm ghép, lai tạo và rao bán tràn lan bơ giống trên thị trường. Song, về chất lượng cũng như đầu ra của sản phẩm sau này như thế nào thì ít được cơ quan chức năng quan tâm, khiến nhiều nhà vườn e ngại khi quyết định đầu tư trồng loại cây này. Công ty TNHH MTV Dak Farm nhận thấy mới chỉ có giống bơ ra quả chính vụ (từ tháng 5 đến tháng 9), còn bơ trái vụ rất ít, thậm chí chưa có mặt tại Tây Nguyên, năm 2010 kỹ sư Huỳnh Ngọc Tư, Phó giám đốc Công ty đã tìm hiểu, nghiên cứu và cho ra đời những dòng bơ trái vụ mới, nhanh chóng được các nhà vườn khắp nơi đón nhận, bởi giá bán của bơ trái vụ cao gấp 5 - 7 lần so với việc trồng bơ chính vụ. Đáng kể nhất là đơn vị đã lai ghép thành công 5 dòng bơ trái vụ với các ký hiệu từ CĐD-BO-41.01 đến CĐD-BO-41.05 (gồm 3 dòng bơ thu muộn, 1 dòng bơ thu sớm và một dòng bơ thu rải vụ) đã được Hội đồng khoa học, Sở NN-PTNT tỉnh Dak Lak cấp giấy phép công nhận là những giống bơ trái vụ đạt chất lượng, năng suất cao, ổn định để nhân rộng trong vùng Tây Nguyên. Chi phí đầu tư trồng cũng khá nhẹ nhàng, bình quân khoảng 11 - 13 triệu đồng/ha, bà con có thể trồng thuần (170 cây/ha), hoặc trồng xen với cà phê rất tốt (150 cây/ha), vừa tạo tán che bóng mát cho cà phê, lại tận dụng được công lao động, nước tưới, phân bón… tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích cây trồng. Bơ cho thu hoạch sau 3 năm kể từ khi xuống giống (trong khi bơ trồng thực sinh bằng hạt phải mất 7- 8 năm), với năng suất tăng dần theo từng năm, mỗi cây bình quân cho 3 tạ quả, nếu tính giá trung bình 35.000 - 40.000 đồng/kg sẽ thu được trên 10 triệu đồng/cây, trừ chi phí, người trồng bơ có thể thu lãi khoảng 1,4 tỷ đồng/ha, cao hơn việc trồng bơ chính vụ rất nhiều (giá bơ chính vụ chỉ khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg), mà đầu ra của sản phẩm luôn hết sức thuận lợi.

Kỹ sư  Huỳnh  Ngọc Tư,  Phó  Giám đốc  Công ty  TNHH MTV Dak Farm  với vườn bơ trái vụ  trồng xen
Kỹ sư Huỳnh Ngọc Tư, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Dak Farm với vườn bơ trái vụ trồng xen.

Nhu cầu của thị trường bơ giống trái vụ khá cao, thương hiệu bơ Dak Farm ngày càng được nhiều người trong, ngoài tỉnh biết đến, riêng năm 2010, Công ty đã cung ứng ra thị trường các tỉnh Tây Nguyên khoảng 20.000 cây giống, năm 2011 tiếp tục có khoảng 35.000 cây giống được bán ra, dự kiến đến hết năm 2012 Công ty sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 55.000 cây bơ giống, đem lại thu nhập ổn định cho đơn vị khoảng 2 - 3 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm và thu nhập khá cho khoảng 10 nhân công thường xuyên. Không chỉ có bơ, Công ty Dak Farm còn cung cấp nhiều giống cây ăn quả, công nghiệp, lâm nghiệp cho thị trường trong nước và nước bạn Campuchia, với số lượng hàng triệu cây giống mỗi năm. Để vượt qua khó khăn và khẳng định thương hiệu lâu dài, Công ty Dak Farm luôn đặt chất lượng cây giống lên hàng đầu và đã trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy của nông dân, khi đội ngũ chuyên viên của Công ty thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây giống cho bà con thông qua điện thoại, Website, các hội thảo khoa học do Công ty phối hợp với ngành Nông nghiệp các địa phương tổ chức…, đồng thời cam kết tìm đầu ra ổn định cho trái bơ nghịch vụ của bà con.

Lê Thành - Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.