Đổi thay ở xã nghèo Ea Tar
Là một trong những xã nghèo của huyện Cư M’gar, những năm gần đây Ea Tar đang từng bước “thay da đổi thịt” nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, đó còn là nền tảng cho địa phương phát huy hiệu quả lợi thế tự nhiên, thổ nhưỡng của vùng để đa dạng cây trồng, vật nuôi...
Nhiều ngôi biệt thự khang trang của người dân mọc lên góp phần làm thay đổi bộ mặt xã Ea Tar. |
Xã Ea Tar có 11 thôn, buôn, với 1.750 hộ dân, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 65%. Trước đây, kinh tế của người dân Ea Tar chỉ phụ thuộc vào cây lúa, ngô, sắn trồng trên đất rừng lấn chiếm, năng suất rất bấp bênh, đời sống của bà con gặp khó khăn, thiếu thốn. Từ khi Ea Tar thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chính sách dân tộc, nông thôn của Đảng và Nhà nước thì đời sống của người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể. Để hỗ trợ bà con xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, xã đã triển khai các hoạt động khuyến nông, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi gia súc gia cầm. Ông Lê Thanh Cương, Phó chủ tịch UBND xã Ea Tar cho biết, để sử dụng hiệu quả đất vườn, đồi của địa phương, xã đã khuyến khích người dân tích cực trồng mới nhiều diện tích rừng, cà phê, cao su, tiêu… Bên cạnh đó, từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và huy động công sức của nhân dân, xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường giao thông từ trung tâm xã đến các thôn, buôn với tổng chiều dài hàng chục km; đầu tư xây dựng lưới điện hạ thế cho 100% hộ gia đình trong xã có điện thắp sáng; nâng cấp hệ thống loa đài truyền thanh, bưu điện văn hóa xã; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, tạo điều kiện cho đồng bào trong xã có nơi sinh hoạt, giao lưu, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống... Cùng với đó, Ea Tar cũng đã triển khai “Đề án thực hiện chuẩn quốc gia về y tế” bảo đảm công tác khám chữa bệnh, cấp thuốc và chăm sóc sức khỏe cho người dân; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 100%. Ông Cương cho biết thêm, xã đang phấn đấu đến năm 2015 sẽ có hơn 70% số lao động phổ thông được đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn, 100% số hộ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo phương thức mới; duy trì và bảo đảm 100% trẻ em trong độ tuổi đến lớp theo từng cấp học.
Giờ đây, người dân Ea Tar đã từ bỏ việc phá rừng làm rẫy, sống du canh như trước để định canh, định cư, phát triển kinh tế nông nghiệp với sự đầu tư chuyên sâu hơn, diện tích canh tác được mở rộng (cà phê 2.850 ha, cao su 697 ha, tiêu 45 ha, trên 200 ha lúa…), nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã đưa năng suất cây trồng tăng lên đáng kể, lúa từ 6 tấn/ha tăng lên 7 tấn/ha, tiêu đạt 3 tấn hạt/ha, riêng cây cà phê, vẫn có thể đạt cao từ 4- 5 tấn/ha (mặc dù theo nhận định của ngành nông nghiệp, tại nhiều địa phương khác trong tỉnh, niên vụ cà phê 2012- 2013 năng suất sẽ giảm từ 15 - 18% so với mọi năm). Tổng đàn gia súc trong xã hiện có 3.150 con, trong đó, 2.500 con heo, 650 con bò và 35.000 con gia cầm các loại. Từ một xã khó khăn, đến nay Ea Tar chỉ còn 15,6% số hộ nghèo và cận nghèo (tỷ lệ giảm 3%/năm), thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng/người/năm 2010 lên 21,5 triệu đồng/người/năm 2012. Nhiều hộ đã vượt khó vươn lên làm giàu như hộ ông Y Nênh Ajun ở buôn Mlăng, bà H’Nhế Êban ở buôn Đrai Xý, ông Tạ Hữu Điền ở thôn 3… thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp đa cây, đa con và kinh doanh nhỏ lẻ.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc