Multimedia Đọc Báo in

Động lực thoát nghèo ở buôn Krail

08:01, 30/10/2012

Từ năm 2007, thông qua Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển bò cái sinh sản bền vững cho 10 hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở buôn Krail (xã Bông Krang, huyện Lak). Chương trình đã tạo động lực giúp bà con tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. 

Gia đình chị H Kriết Dak Căt là hộ nghèo của buôn, nhà chỉ có vài sào ruộng nhưng do không có tiền đầu tư chăm sóc nên năng suất thu được chẳng đáng là bao. Mặc dù hai vợ chồng đã chăm chỉ làm thuê cuốc mướn nhưng vì phải nuôi 4 con ăn học nên cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Năm 2009, gia đình chị được nhận 1 con bò cái và được cán bộ khuyến nông, cán bộ hội nông dân các cấp tận tình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, nên đã sinh sản được 1 bê cái, 1 bê đực khỏe mạnh. Theo cam kết, năm 2012 vừa qua chị đã đem con bê cái tròn 14 tháng tuổi bàn giao lại cho gia đình anh Y Khim Kmăn cũng là hộ nghèo của buôn. Ngày dẫn bò đến nhà Y Khim giao, chị không dấu được niềm vui: “Từ ngày được nhận bò, gia đình mình phấn khởi lắm. Mấy đứa nhỏ thay nhau dắt bò đi chăn thả để nó được ăn no, mau lớn. Tuy chưa có tiền bán bò nhưng ai cũng vui vì từ nay 2 con bò này đã là sở hữu của gia đình mình. Mình sẽ ráng chăm cho chúng lớn để sau này có cái lo cho các con ăn học”. Là hộ được tiếp nhận bò từ những hộ nuôi đợt 2 chuyển giao, anh Y Nhang Du phấn khởi: “Mình cũng nghe về chương trình này lâu rồi nhưng do đợt đầu chưa đủ tiêu chí bình chọn với lại phải nhường cho những hộ khó khăn hơn nên đến năm 2011 gia đình mới được nhận bò. Mình sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt, nhanh chóng có bò chuyển giao cho hộ khác để con bò này thực sự là tài sản của nhà mình”. Không chỉ có những hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ mà rất nhiều hộ nghèo người kinh cũng được hưởng lợi từ chương trình này. Chẳng hạn như: hộ ông Nguyễn Sỹ, Trần Sáu, Phan Trọng Liệu, Lê Văn Chiến, Nguyễn Đoài, Nguyễn Thị Hạnh…

Cán bộ hội nông dân các cấp tìm hiểu việc chăn nuôi bò sinh sản của gia đình ông Trần Sáu (buôn Krail, xã Bông Krang, huyện Lak).
Cán bộ hội nông dân các cấp tìm hiểu việc chăn nuôi bò sinh sản của gia đình ông Trần Sáu (buôn Krail, xã Bông Krang, huyện Lak).

Chương trình hỗ trợ phát triển bò cái sinh sản bền vững được triển khai từ năm 2007 và đã cấp 10 con bò cái (mỗi con trị giá 5 triệu đồng) cho 10 hộ nghèo buôn Krail. Đến nay, đàn bò của chương trình đã sinh sản được 38 con, trong đó có 16 con đủ tiêu chuẩn chuyển giao cho 16 hộ nghèo trong buôn tiếp tục nuôi luân phiên. Mỗi hộ được chọn tham gia chương trình sẽ nhận 1 con bò cái như là “chiếc cần câu” bởi họ phải cam kết chăm sóc bò sinh sản để chuyển giao lại bê cái đủ 14 tháng tuổi cho hộ khác, sau đó được sở hữu hoàn toàn con bò cái ban đầu. Cứ như vậy chương trình sẽ nhân rộng và ngày càng có nhiều hộ được hưởng lợi. Điều đáng nói, không chỉ hỗ trợ bò sinh sản, hội nông dân các cấp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn thường xuyên thăm hỏi, tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng chống những bệnh thông thường. Ông Trần Sáu, Trưởng buôn cho biết: “Các hộ được hưởng lợi từ chương trình thường xuyên gặp gỡ, sinh hoạt để cùng trao đổi kinh nghiệm trong việc chăn nuôi, cách xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái. Nhờ vậy từ 32 hộ nghèo 2007 đến nay toàn buôn chỉ còn 13 hộ nghèo theo tiêu chí mới”. 

Có thể nói, sau gần 6 năm triển khai, chương trình hỗ trợ bò cái sinh sản bền vững tại buôn Krail đã đem lại hiệu quả thiết thực, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đã giúp nhiều hộ nghèo nơi đây ổn định cuộc sống.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.