Đưa hàng Việt về nông thôn: Doanh nghiệp cần được “tiếp sức”
Nhiều phiên chợ hàng Việt được tổ chức đều đặn hàng năm tại các vùng nông thôn trong tỉnh thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, đồng thời, góp phần không nhỏ vào thành công của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…
Hồ hởi đón nhận hàng Việt
Phiên chợ hàng Việt do Co.opMart Buôn Ma Thuột tổ chức tại thị xã Buôn Hồ mới đây (từ 21 đến 24-10) bày bán nhiều sản phẩm hàng Việt thiết yếu: thực phẩm, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, hàng may mặc… được người dân địa phương tích cực đón nhận, các khu hàng lúc nào cũng tấp nập khách vào ra mua sắm. Bên cạnh sự phong phú về hàng hóa, nhiều mặt hàng ở đây còn có chương trình khuyến mãi hấp dẫn, kèm theo quà tặng hoặc giảm giá từ 10 đến 50% nên thu hút đông đảo người mua. Chẳng hạn, bột giặt Omo giá 189.000 đồng có tặng kèm chiếc thau, sọt nhựa hoặc đĩa thủy tinh, chảo chống dính hiệu Happycook từ 139.000 đồng giảm còn 95.000 đồng, áo thun nam hiệu DT từ 91.000 đồng giảm còn 64.900 đồng… Chị Trần Thị Hà, nhân viên Co.opMart Buôn Ma Thuột cho biết, chỉ trong hai ngày bày bán mà các sản phẩm như: bột giặt, nước rửa chén (có kèm quà tặng) đã “cháy hàng”.
Phiên chợ cũng không khỏi làm nhiều người ngạc nhiên trước giá cả và chất lượng được bảo đảm của sản phẩm nội địa, nhất là ở mặt hàng dệt may. Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (xã Pơng Drang, huyện Krông Buk) cho hay: “Tôi mua chiếc áo thun nữ ở đây từ 75.500 đồng giảm xuống còn 69.000 đồng, rẻ mà chất lượng vải cũng tốt, hơn hẳn những mặt hàng cùng loại của Trung Quốc được bày bán ngoài chợ, giá cũng trên 100.000 đồng/ chiếc, nhưng chỉ giặt vài lần là bị chảy xệ, phai màu”.
Có thể thấy, hàng hóa do các doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa trong tỉnh rất được ưa chuộng, bởi tại đây, người tiêu dùng (NTD) có cơ hội mua được hàng giá rẻ, tận tay sờ ngắm, tìm hiểu và được nhân viên bán hàng giới thiệu, tư vấn về các sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giúp NTD có cái nhìn tổng thể hơn về hàng Việt. Chị Ngô Thị Ngân (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) cho biết, hàng hóa ở đây rất nhiều mẫu mã, chất lượng không thua kém gì hàng ngoại, giá rẻ hơn giá thị trường, lại được tư vấn cặn kẽ nên chị thấy yên tâm, không sợ mua phải hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc.
Hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất ngày càng được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn. |
Trên thực tế, hàng Việt luôn là lựa chọn của hầu hết người dân các vùng nông thôn trong tỉnh, nhưng họ lại bị thiếu thông tin về sản phẩm và nhà cung cấp, cộng với điều kiện sinh sống lại xa các trung tâm mua sắm, do vậy, những phiên chợ hàng Việt như thế này giúp bà con có cơ hội lựa chọn cho mình các sản phẩm nội địa.
Để có thêm nhiều phiên chợ hàng Việt ở vùng xa
Là đơn vị tích cực trong những đợt đưa hàng Việt về nông thôn, Co.opMart Buôn Ma Thuột đã cho thấy khả năng chiếm lĩnh thị phần ở thị trường dồi dào này. Chưa đầy nửa tháng của năm 2012, đưa hàng về các huyện M’Drak, Krông Pak, thị xã Buôn Hồ…, đơn vị này đã có doanh thu trên 1,2 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày, phiên chợ đón trên 1.000 lượt khách đến mua sắm. Anh Bùi Quang Hòa, Phó giám đốc Co.opMart Buôn Ma Thuột cho biết, sau 4 năm đều đặn đưa hàng Việt về nông thôn cho thấy, tiềm năng thị trường này là rất lớn, nhiều sản phẩm được NTD nhiệt tình đón nhận như sữa Vinamilk, dầu ăn Cái Lân, Tường An, nước mắm Phú Quốc, nước rửa chén Mỹ Hảo, hàng may mặc Việt Tiến, Vietthy, Hoàng Liên, cùng nhiều sản phẩm uy tín địa phương như: cà phê Trung Nguyên, ong mật Dak lak… Thông qua đó, đơn vị cũng nắm bắt được thị hiếu, thói quen tiêu dùng của người dân tại các vùng nông thôn trong tỉnh để có chiến lược phục vụ và cung ứng hàng phù hợp.
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được nhiều DN lựa chọn và NTD các địa phương hưởng ứng tích cực, tuy nhiên, trên thực tế, DN tham gia chương trình này cũng chỉ dừng lại ở việc tổ chức bán hàng tại các trung tâm huyện, thị trấn chứ chưa thật sự đi vào phục vụ bà con ở những vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh, nguyên nhân do việc tìm thuê mặt bằng làm nơi bán hàng rất khó đối với DN, thêm nữa, chi phí thuê mặt bằng ở mỗi địa phương không giống nhau, thậm chí có nơi không thể nào tìm ra mặt bằng để thuê. Vì vậy nên trong chuyến đưa hàng Việt về nông thôn đợt này, Co.opMart Buôn Ma Thuột rất muốn đưa hàng về huyện Ea H’leo để phục vụ bà con, nhưng do không thuê được mặt bằng nên đành phải dừng lại! Bên cạnh cái khó ở chuyện thuê mặt bằng, việc hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, giá rẻ “tràn” vào thị trường nông thôn cũng là một “rào cản” lớn, khiến các DN nội địa có nguy cơ bị mất chỗ đứng ở thị trường này. Do đó, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và ngăn chặn kịp thời tình trạng trên để DN Việt thực sự khơi thông sức mua ở thị trường còn đầy hứa hẹn này.
Để Cuộc vận động đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh, thiết nghĩ, rất cần sự “tiếp sức” từ phía các địa phương, cơ quan chức năng để DN có điều kiện tổ chức nhiều hơn nữa những phiên chợ hàng Việt về các vùng sâu, vùng xa giúp người dân có cơ hội chọn mua nhiều sản phẩm vừa túi tiền, giá phải chăng.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc