Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp ở huyện M’Drak

09:20, 06/10/2012

Trước thực trạng diện tích đồng cỏ tự nhiên ở nhiều nơi ngày càng thu hẹp, làm cho việc nuôi bò bằng hình thức chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên gặp nhiều khó khăn; để giải quyết vấn đề này, huyện M’Drak đã xây dựng một số mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét.

Chị Thúy nuôi bò bằng cỏ VA06 trồng tại vườn nhà.
Chị Thúy nuôi bò bằng cỏ VA06 trồng tại vườn nhà.

Tháng 9-2011, 10 mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp được huyện triển khai ở 3 xã và 1 thị trấn, gồm: Krông Jing: 3 mô hình, Ea Riêng: 2 mô hình, Cư Króa: 3 mô hình và thị trấn M’Drak: 2 mô hình. Trong đó, mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp của gia đình chị Cấn Thị Thúy ở thôn 5, xã Cư Króa được đánh giá là đạt hiệu quả kinh tế tương đối cao. Chăn nuôi bò nhằm tăng thêm nguồn thu nhập bằng hình thức chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên là công việc gắn bó với gia đình chị Cấn Thị Thúy đã hơn 15 năm. Tuy nhiên, do diện tích các loại cây nông - lâm nghiệp phát triển nhanh, nên đồng cỏ tự nhiên tại địa phương đã bị thu hẹp; vì thế việc nuôi bò bằng hình thức chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên đã không còn thuận lợi như trước, làm cho đàn bò của gia đình chị Thúy bị thiếu thức ăn, dẫn đến tăng trưởng kém, hiệu quả kinh tế đạt thấp. Được tham gia làm mô hình, gia đình chị đã tận dụng 1.000 m2 đất pha cát trong vườn nhà để trồng toàn bộ giống cỏ VA06 theo đúng quy trình kỹ thuật đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn. Giống cỏ này chỉ sau khi trồng từ 3-4 tháng, đã có thể cắt về làm thức ăn đủ nuôi 5 con bò; từ đó gia đình chị không còn phải đưa đàn bò đi xa nhà để tìm thức ăn từ đồng cỏ tự nhiên. Và dù thời tiết không thuận lợi, nhất là vào mùa mưa dầm hoặc nắng hạn kéo dài, thì gia đình chị Thúy vẫn có thể chủ động được nguồn thức ăn cho bò. Nhờ nuôi bò theo hình thức này mà đàn bò của gia đình chị Thúy mạnh khỏe và tăng trọng nhanh; đến nay đã sinh trưởng thêm được 2 con. Cũng theo chị Thúy, ngoài việc được hướng dẫn trồng cỏ cho bò ăn, những người thực hiện mô hình như gia đình chị còn được hướng dẫn cách sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp như: rơm rạ, thân cây ngô, thân cây đậu các loại... để làm thức ăn cho bò. 

Thực tế, mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp đã đem lại nhiều thay đổi trong cách nghĩ và cách làm đối với nhiều gia đình nông dân ở huyện M’Drak. Ban đầu, từ 53 con bò ở 10 gia đình tham gia thực hiện mô hình, sau 1 năm, số lượng bò đã phát triển đến 70 con. Chăn nuôi bò bán công nghiệp đã và đang thu hút được sự quan tâm của nhiều nông hộ và đây cũng là lời giải hữu hiệu cho bài toán về chăn nuôi bò ở những vùng đất nghèo, khí hậu khắc nghiệt, nhưng có nguồn lao động dồi dào như ở huyện M’Drak.         

Nguyễn Hiếu                                                             

 

 

 


Ý kiến bạn đọc