Multimedia Đọc Báo in

Hội chợ Nông nghiệp - Thương mại Dak Lak năm 2012: Ấn tượng từ những sản phẩm nông sản địa phương

06:21, 08/10/2012

Diễn ra trong 7 ngày, hội chợ lần này quy tụ nhiều sản phẩm nông sản độc đáo, chất lượng của địa phương, đã tạo ấn tượng mạnh với đông đảo khách tham quan, mua sắm...

NTD chọn mua bơ Dakado tại hội chợ.
NTD chọn mua bơ Dakado tại hội chợ.

Cơ hội quảng bá hàng nông sản

Bên cạnh các sản phẩm chủ lực của địa phương như: cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê, ca cao, tiêu, điều, mật ong…, các mặt hàng khác của tỉnh cũng được ưa chuộng như:  bánh tráng của làng nghề bánh tráng Ea Bar (huyện Buôn Đôn), bơ Dakado, nấm Hà Hương, măng khô Hợp Nhất, sầu riêng hạt lép Ea H’leo… Trong đó, giờ đây sản phẩm của làng nghề bánh tráng Ea Bar có lẽ không còn xa lạ với người dân địa phương, bởi bánh làm ra có độ trắng, dẻo nhất định và khi nướng lên có độ thơm, giòn. Chỉ riêng ba ngày đầu diễn ra hội chợ, nhiều người tiêu dùng (NTD) tại các xã xa xôi trong tỉnh hoặc du khách ngoài tỉnh có dịp ghé thăm hội chợ đều tìm đến mua cho bằng được vài ba ràng bánh tráng mang về ăn dần hoặc dùng làm quà biếu cho bạn bè, người thân. Ông Trần Văn Mỹ - Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Hoài Nhơn nơi có làng nghề bánh tráng nổi tiếng Ea Bar cho biết, hiện HTX có trên 180 xã viên làm nghề, trung bình một ngày mỗi hộ làm ra 400-500 chiếc bánh cung ứng cho thị trường, sản phẩm làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Cách đó không xa, gian hàng giới thiệu, bày bán nấm do HTX nuôi trồng nấm Hà Hương (TP.  Buôn Ma Thuột) sản xuất lúc nào cũng đông khách vào ra mua sắm, tìm hiểu. Nhiều bụi nấm ở đây có màu trắng nõn, tươi ngon, rất đẹp mắt. Anh Trương Tố Hà - chủ nhiệm HTX cho biết, đây là lần đầu tiên anh tham gia hội chợ, mang đến các sản phẩm nấm sạch, có sự cạnh tranh về giá ở cả dòng tiêu dùng bình dân và cao cấp như: nấm sò với giá: 18.000 đồng/ kg, nấm mèo:  80.000 đồng/ kg, linh chi: 800.000 đồng/ kg. Trung bình mỗi ngày HTX sản xuất khoảng 1-3 tạ nấm, chủ yếu tiêu thụ ở TP. Buôn Ma Thuột và các xã lân cận, do tự túc được từ khâu gây giống đến nguyên liệu đầu vào (như tận dụng mùn cưa ở địa phương để trồng nấm) cũng như kỹ thuật chăm sóc…, nên tạo được giá thành cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Khách hàng mua sản phẩm đều được anh Hà hướng dẫn cách bảo quản nấm an toàn, tươi ngon trong thời gian khá lâu. Nói về những sản phẩm gây ấn tượng tại hội chợ lần này không thể không kể đến măng khô do nông dân HTX Hợp Nhất (Ea Kar) sản xuất. Đặc biệt, trước thông tin măng khô Trung Quốc được bày bán tràn lan tại các chợ truyền thống thì măng khô của HTX này lại có sức “hút” với nhiều NTD. Cầm trên tay gói măng khô vừa mới mua, chị Bùi Thị An (phường Tân Lập) nói: “không hiểu sao sản phẩm của địa phương mình tươi ngon, lại có giá bình dân (18.000-20.000 đồng/gam), vậy mà một số tiểu thương lại đi nhập hàng Trung Quốc, chất lượng kém xa của mình về bán cho bà con?!”.

Giữ vững chất lượng

Một điều đáng mừng là nông dân của các HTX, làng nghề khi mang sản phẩm tham gia  hội chợ, ít nhiều đều có ý thức muốn xây dựng cho sản phẩm của mình một thương hiệu và uy tín, dù việc làm này gặp không ít khó khăn về tài chính cũng như thủ tục liên quan. Ông Mỹ cho biết, để bánh tráng Ea Bar được nhiều người biết đến đã là việc làm khó, giữ vững chất lượng, uy tín với NTD lại càng khó hơn gấp nhiều lần. Do đó, HTX luôn có quy chế nghiêm ngặt cho mỗi xã viên trong quá trình làm nghề phải nâng cao chất lượng, từ nguyên liệu đầu vào đến các khâu: tráng bánh, phơi, hong khô phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, bánh ở đây không pha thêm nhiều bột sắn để chạy theo lợi nhuận, ngược lại hầu hết người làm bánh tráng đều dùng gạo nguyên chất để làm ra sản phẩm. “Nếu sản phẩm của làng nghề mà chạy theo lợi nhuận, chắc chắn sẽ bị thị trường từ chối ngay”- Ông Mỹ khẳng định.

Sản phẩm bánh tráng  Ea Bar dần  tạo  được chỗ đứng trong lòng NTD.
Sản phẩm bánh tráng Ea Bar dần tạo được chỗ đứng trong lòng NTD.

Qua thực tế những ngày hội chợ cho thấy, nông sản địa phương ngày càng có có chỗ đứng nhất định trong lòng NTD, đồng thời cũng là dịp để giới thiệu với NTD những sản phẩm chất lượng, đạt yêu cầu, giá cả hợp lý do nông dân địa phương sản xuất. Từ đây, nông sản Dak Lak sẽ có thêm cơ hội thu hút nhiều NTD ưa thích, tin dùng, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương và tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn ngày càng phát triển. 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.