Multimedia Đọc Báo in

Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới ở xã Ea Ô (Ea Kar)

08:08, 01/10/2012

Phát huy vai trò chủ thể của người dân theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, thời gian qua xã Ea Ô (huyện Ea Kar) đã linh động, sáng tạo trong việc huy động sức dân chung tay đóng góp xây dựng nông thôn mới.

Nhà nhà cùng hiến đất

Đưa chúng tôi đi trên con đường cấp phối rộng 9 m, trưởng thôn 14 Nguyễn Duy Phương phấn khởi khoe: “Con đường này trước đây chỉ rộng 4m, được như ngày hôm nay đều do người dân trong thôn tự nguyện hiến đất, góp công, dỡ bỏ hoa màu cả đấy”. Được UBND xã chọn là nơi “mở màn chiến dịch” huy động sức dân xây dựng đường giao thông nông thôn, thôn 14 đã tổ chức họp dân của 8 xóm cùng bàn bạc cách làm, mức đóng góp, cách triển khai cụ thể từng bước. Đồng thời, Ban tự quản thôn và trưởng các xóm trực tiếp xuống từng hộ dân vận động, thuyết phục. Khi tư tưởng đã thông, 130 hộ dân trong thôn nhất trí tự nguyện đóng góp ngày công cùng chính quyền địa phương đồng loạt ra quân dỡ bỏ tường rào, chặt cây, ban gạt nền đường. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, 2,5 km đường đất nhỏ hẹp trước kia đã được mở rộng 8 m, có rãnh thoát nước hai bên với tổng trị giá đất, hoa màu, ngày công người dân đóng góp quy ra tiền khoảng 600 triệu đồng. Anh Trần Đức Khuông, một người dân trong thôn cho biết: “Tôi nghĩ rằng xây dựng nông thôn mới thành công thì trước hết nông dân là người được hưởng lợi nhiều nhất. Chính vì vậy, khi hiểu được chủ trương trên, gia đình tôi đã tự nguyện dỡ bỏ 15 m tường rào xây kiên cố, xây lùi vào 1,5 m để đường rộng và thẳng đẹp hơn”. Tương tự, cùng với việc vận động người dân ký cam kết tự nguyện hiến đất, góp công, Ban tự quản, Ban phát triển thôn 5A tiến hành công tác khảo sát, cắm mốc các tuyến đường. Để mở rộng đường một cách công bằng, dân chủ, thôn đã đưa ra giải pháp lấy giữa tim phần đường cũ làm mốc rồi chia đôi, đoạn nào cần uốn nắn, mở rộng cho thẳng, đẹp thì lại tập trung tuyên truyền, vận động để người dân tự nguyện hiến thêm đất. Thực hiện phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Chi bộ, Ban tự quản thôn thống nhất chọn xóm có bí thư chi bộ, trưởng thôn triển khai trước sau đó mới đến các xóm còn lại. Điều đáng nói, trong quá trình UBND xã hỗ trợ máy móc san ủi mặt bằng, Ban tự quản, Ban phát triển thôn thường xuyên bám sát giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, thống kê diện tích đất, cây cối, hoa màu của các hộ trên từng trục đường rồi lập biên bản hiến tặng có chữ ký của chủ hộ. Cách làm trên đã động viên, khích lệ tinh thần tự nguyện của người dân. Chỉ trong vòng 1 tháng, cán bộ, người dân thôn 5A đã tự nguyện hiến 1.000m2 đất, hơn 1.000 cây cà phê, điều, 200 cây ăn quả và hàng trăm ngày công để nâng cấp, mở rộng 7km đường cấp phối.

Đường giao thông thôn 5A được nâng cấp,  mở rộng từ sự tự nguyện hiến đất,  góp công của người dân.
Đường giao thông thôn 5A được nâng cấp, mở rộng từ sự tự nguyện hiến đất, góp công của người dân.

Hiệu quả từ một cách làm

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Chuyền cho biết, Ea Ô không chỉ là xã điểm của huyện mà còn là xã điểm của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, làm thế nào để người dân đồng thuận, cùng góp công sức, tiền của thực hiện chủ trương chung, tránh tư tưởng ngại khó, cầu toàn là vấn đề được UBND xã đặt lên hàng đầu trong quá trình triển khai thực hiện. Căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, UBND xã quyết định chọn tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, chú trọng  phát huy dân chủ, để nhân dân tự quản, tự bàn bạc quyết định. “Vạn sự khởi đầu nan”, không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, xã Ea Ô đã vượt qua khó khăn ban đầu bằng chính nội lực của mình, đó là huy động sức dân cùng đóng góp để xây dựng nông thôn mới. Việc làm đầu tiên của ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng nông thôn mới không phải là đưa ra mức đóng góp bao nhiêu với mỗi hộ mà tập trung tuyên truyền để người dân thấy rõ lợi ích đi đôi với nghĩa vụ, xây dựng nông thôn mới ở địa phương có thành công hay không chủ yếu do nhân dân quyết định bằng sự chung tay, góp sức từ mỗi cá nhân, gia đình. Do đó, sau lễ phát động xây dựng xã văn hóa nông thôn mới, UBND xã đã thành lập đoàn trực tiếp xuống từng thôn triển khai chủ trương chung, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ký cam kết với ban tự quản, đảng viên chung tay xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chỉ đạo từng thôn tổ chức lễ phát động, triển khai công tác tuyên truyền, phát huy quy chế dân chủ cơ sở để người dân tự nguyện thực hiện 3 cùng (đóng góp, xây dựng, giám sát) trong làm đường giao thông nông thôn. Điều đáng nói, không chỉ hiến đất, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Chuyền còn tự nguyện thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình vay ngân hàng 200 triệu đồng trả trước chi phí nhân công, xăng dầu trong quá trình san ủi, giải tỏa mặt bằng để làm đường giao thông. Vì vậy, việc huy động sức dân ở xã Ea Ô diễn ra sôi nổi, trở thành phong trào thi đua giữa làng trên, xóm dưới, giữa các dòng họ và ngay trong các gia đình. Từ cách làm trên, đến nay người dân trên địa bàn xã đã tự nguyện hiến 150.000 m2 đất, 7.000 cây cà phê, 6.000 cây điều, 330m tường rào và sân bê tông với tổng trị giá khoảng 5 tỷ đồng cộng với 1 tỷ đồng ngân sách xã hỗ trợ để giải phóng mặt bằng, san ủi 70 km đường liên thôn, xóm có chiều rộng từ 6 – 9 m (rộng hơn 2 lần) so với quy định.

Đến nay, xã Ea Ô đã cơ bản hoàn thành 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới gồm: điện, thu nhập, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, hệ thống chính trị xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Chuyền, khó khăn lớn nhất của xã trong việc phấn đấu cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2015 chính là cơ cấu lao động, bưu điện, trường học, các tuyến đường giao thông đã được mở rộng nhưng cần nguồn kinh phí rất lớn để bê tông hóa. Để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình đã đề ra, ngoài việc phát huy nội lực, địa phương cần một nguồn vốn khá lớn (khoảng 344 tỷ đồng) đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.