Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lak: Công tác quản lý các công trình thủy lợi còn bất cập

09:40, 20/10/2012

Huyện Lak là địa phương phát triển mạnh cây lúa nước, vì vậy công tác thủy lợi đóng vai trò hết sức quan trọng. Những năm qua huyện đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi gồm trạm bơm, hồ chứa, đập dâng và hệ thống kênh mương nhưng do công tác quản lý, vận hành và khai thác sử dụng các công trình này còn bất cập nên hiệu quả chưa cao.

Bờ kè của đập Yang Lah (thị trấn Liên Sơn) bị xuống cấp.
Bờ kè của đập Yang Lah (thị trấn Liên Sơn) bị xuống cấp.

Hiện, trên địa bàn huyện Lak có 39 công trình thủy lợi gồm 7 trạm bơm, 18 đập dâng và 15 hồ chứa có thể phục vụ tưới tiêu cho gần 5.600 ha cây trồng. Các công trình này phần lớn được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, 3 công trình được xây dựng bằng vốn các hợp tác xã, chủ yếu có quy mô nhỏ, dễ vận hành, hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm chủ động nước cho sản xuất 2 vụ/năm. Phần lớn các công trình được giao cho các tổ hợp tác dùng nước thuộc các xã, thị trấn và các hợp tác xã nông nghiệp quản lý, vận hành. Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình đã hư hỏng, xuống cấp, không thể tưới nước đúng năng lực thiết kế. Riêng hệ thống hồ chứa có 15 công trình thì 5 công trình là hồ chứa Khe Môn (xã Buôn Triết), hồ Nam Kar (xã Nam Ka), hồ Liêng Krăk (xã Krông Nô), hồ Hóc Môn (thị trấn Liên Sơn) và hồ chứa Liên Sơn (thị trấn Liên Sơn) đã bị xuống cấp, hư hỏng hoặc bồi lắng, chỉ tưới được 60 – 90 % công suất. Trong khi đó, trên địa bàn xã Yang Tao có 5 trạm bơm và đập do tổ hợp tác dùng nước buôn Cuôr vận hành, quản lý khai thác thì có 2 công trình đã hư hỏng: đập tràn buôn Biăp kênh chính bị xói lở 100 m, đập dâng La Tăng Pó bị xói lở 2 vai đập, trôi bể tiêu. Theo đánh giá của Phòng NN – PTNT huyện Lak thì các hạng mục hay bị hư hỏng nhất là van đóng mở, phần đầu mối công trình và hệ thống kênh mương dẫn nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đơn vị quản lý, vận hành, khai thác là các tổ hợp tác dùng nước và hợp tác xã quản lý thiếu chặt chẽ do trình độ chuyên môn của cán bộ cơ sở còn hạn chế; công tác kiểm tra, bảo dưỡng và tu sửa các công trình bị hỏng chưa được tiến hành thường xuyên; bên cạnh đó là ý thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc sử dụng, bảo vệ các công trình thủy lợi còn hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó trưởng Phòng NN – PTNT huyện Lak cho biết: Trước tình trạng xuống cấp, hư hỏng của các công trình thủy lợi nói trên, huyện đã kiến nghị với tỉnh ban hành quy chế hoạt động, phân cấp kinh phí quản lý các công trình vừa và nhỏ cho đơn vị đủ điều kiện quản lý, bảo vệ và nâng cấp, sửa chữa các công trình; đồng thời, tổ chức tập huấn cho các địa phương, tổ hợp tác dùng nước và các hợp tác xã về công tác quản lý, khai thác và sử dụng nước.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.