Multimedia Đọc Báo in

Lối ra nào cho rau an toàn?

07:57, 02/10/2012

Năm 2010, HĐND tỉnh có Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 9-7-2010 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015 nhằm khuyến khích việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm rau an toàn. Ngày 30-8-2010, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Dự án Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015 và tầm nhìn đến 2020. Tuy nhiên đến nay sau gần 2 năm triển khai, tình hình phát triển rau an toàn vẫn còn manh mún và đang  “loay hoay” với vấn đề nan giải: đầu ra.

Bài 1: Thực trạng sản xuất rau an toàn

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích gieo trồng rau các loại hằng năm của tỉnh trên dưới 8.000 ha, với sản lượng gần 130.000 tấn rau, mới chỉ đáp ứng gần 70% nhu cầu sử dụng tối thiểu cho nhân dân trong tỉnh (trong đó tỷ lệ rau sản xuất theo hướng an toàn chiếm rất thấp), hơn 30% lượng rau còn lại buộc phải nhập từ các vùng miền khác cũng chưa hề qua kiểm tra phân tích, chưa khẳng định được độ an toàn của sản phẩm.

    Một mô hình sản xuất rau an toàn ở thị xã Buôn Hồ.       Ảnh: Thế Hùng
Một mô hình sản xuất rau an toàn ở thị xã Buôn Hồ.  Ảnh: Thế Hùng

Trên thực tế, giá rau bán tại vườn thấp nhưng giá bán lẻ cho người tiêu dùng thì cao gấp 4 - 5 lần giá tại vườn. Tìm hiểu một số hộ trồng rau ở TP. Buôn Ma Thuột được biết, khi mớ rau đến tay người tiêu dùng đã trải qua 4 - 5 lần “chuyển giao trung gian”. Cứ mỗi lần chuyền qua tay một tư thương, giá rau lại cộng thêm một số tiền lãi, vì thế một bó rau nếu 4 giờ sáng xuất phát tại một xã ven thành phố, đến 8 giờ sáng bó rau ấy cũng có thể lại được chuyển về chợ xã này sau một quá trình lưu chuyển qua các tay trung thương, tất nhiên bó rau ấy đã được cộng thêm một khoản tiền gấp nhiều lần giá trị chính nó khi đến tay người tiêu dùng. Điều đáng nói ở đây, vào mùa vụ người thiệt thòi nhất vẫn là người trực tiếp làm ra sản phẩm, vì giá bán quá thấp, trong khi người tiêu dùng lại mua với giá rất cao. Có lúc giá rau cải tại vườn chỉ được trả 500 – 600 đồng/kg, nếu nhổ bán thì không đủ tiền trả công thu hoạch, chưa nói tiền đầu tư, công chăm sóc. Trong khi giá cả vật tư nông nghiệp như giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại, điện nước tưới… giá leo thang từng ngày, người sản xuất vẫn phải tiếp tục sản xuất, chấp nhận “trò chơi” may, rủi với vụ mùa, giá cả. Cũng vì giá rau thường thấp, không ổn định nên nông dân buộc phải chạy theo việc tăng năng suất bằng cách sử dụng phân đạm hóa học và thuốc kích thích thật nhiều thì mới có lãi, điều đó đã làm chất lượng rau không bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, đạm nitrate (NO3) trong rau nếu chưa phân giải hết khi ăn vào cơ thể sẽ chuyển sang nitrite (NO2) và tích tụ lâu dài sẽ tác động vào quá trình hô hấp của tế bào, tác động vào quá trình vận chuyển máu bên trong cơ thể cũng như ảnh hưởng đến tuyến giáp, có thể hình thành những khối u và trong đó có thể là những khối u ác tính… Chính những bất cập trong sản xuất rau nêu trên đã đặt ra vấn đề sản xuất rau an toàn.

Năm 2010, HĐND tỉnh đã có Nghị  quyết số 07/NQ-HĐND ngày 9-7-2010 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015 nhằm khuyến khích việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm rau an toàn, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với cộng đồng của người sản xuất và ý thức bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Ngày 30-8-2010, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010- 2015 và tầm nhìn đến 2020. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2011 việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế rau an toàn toàn tỉnh còn rất ít: mới chỉ triển khai hỗ trợ được 1 nhà sơ chế; 10 bể chứa chất thải vật tư nông nghiệp; 3 gian hàng bán rau; 1 cửa hàng bán rau; cấp 5 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế; tập huấn 450 người; xây dựng 6 mô hình và tổ chức 2 cuộc hội thảo.

       Rau  chưa  an toàn trên  thị trường tiềm ẩn nguy cơ có hại  cho  sức khỏe người  tiêu dùng.  (ảnh  minh họa)
Rau chưa an toàn trên thị trường tiềm ẩn nguy cơ có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. (ảnh minh họa)

Thực tế đầu tư sản xuất rau an toàn cần nguồn vốn lớn, nhưng chính sách hỗ trợ còn thấp, bên cạnh đó điều kiện kinh tế nông hộ còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng còn hạn chế nên ảnh hưởng đến đầu tư phát triển sản xuất rau an toàn. Một thực trạng trong sản xuất rau hiện nay đang ảnh hưởng đến phát triển sản xuất rau an toàn trên địa bàn là ngoài việc chưa đầu tư đúng mức để nhân rộng diện tích rau an toàn thì việc tổ chức qui mô trong qui hoạch phân bố rải vụ từng loại rau của từng địa phương theo nhu cầu của thị trường chưa thực hiện được. Vào mùa vụ, giá các loại rau (nhất là rau ăn lá) tại các vườn, chợ đầu mối rất thấp (thậm chí từ 1.000 – 2.000đ/kg) nên sản phẩm rau an toàn tại các siêu thị, các cửa hàng phân phối rau có thương hiệu trên địa bàn tỉnh khó cạnh tranh được. Ngoài ra cũng chưa có những tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu và bảo đảm sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng từ cơ quan chức năng; chưa có cảnh báo thường xuyên về tác hại đến sức khỏe đối với người tiêu dùng từ sản phẩm rau chưa an toàn; hầu hết người tiêu dùng thích mua rau ở nơi nào tiện, rẻ và hợp lý nên chưa kích thích việc phát triển sản xuất rau an toàn trong nông dân và vẫn còn sự nhập nhằng rau an toàn với các loại rau từ các vùng miền khác hoặc các loại rau sản xuất theo tập quán, vì thế hiện tượng ngộ độc thực phẩm vẫn hay xảy ra. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh ta, việc sản xuất rau chưa được qui hoạch tập trung theo vùng, sản xuất vẫn còn manh mún, tự phát theo truyền thống, do đó việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất rau còn nhỏ lẻ ở một vài nơi được sự đầu tư của Nhà nước hoặc nông dân tự học tập và làm theo.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng rau an toàn trên địa bàn, năm 2012 tỉnh Dak Lak qui hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung là 490 ha, tại một số huyện, thành phố như: TP. Buôn Ma Thuột, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Pak, Krông Bông, Buôn Đôn và thị xã Buôn Hồ. Bước đầu đã hình thành một số mô hình ở các địa phương nói trên, tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn…

Cẩm Lai

(còn nữa)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.