Multimedia Đọc Báo in

Lối ra nào cho rau an toàn?

06:25, 03/10/2012

Bài 2: VietGAP và hy vọng lối ra cho rau an toàn

Đầu năm 1012, được sự hỗ trợ của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Dak Lak, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty Tư vấn dịch vụ kỹ thuật phát triển nông nghiệp Đà Lạt (gọi tắt là Công ty ATDC Đà Lạt), phòng kinh tế, phòng nông nghiệp của một số huyện, thành phố tổ chức  triển khai thực hiện dự án phát triển mô hình sản xuất rau an toàn theo chứng nhận VietGAP. Sau một thời gian triển khai thực hiện theo đúng qui trình và kế hoạch, đến nay bước đầu dự án đã mang lại kết quả đáng khích lệ.

Các doanh nghiệp ký cam kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn trước sự chứng kiến  của lãnh đạo Sở NN&PTNT.
Các doanh nghiệp ký cam kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn trước sự chứng kiến của lãnh đạo Sở NN&PTNT.

Niềm vui khôn tả đến với bà con sản xuất rau an toàn của HTX Thuận Hòa, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột sau kết luận: “Hợp tác xã Thuận Hòa cơ bản triển khai và xây dựng tương đối tốt các yêu cầu của Qui trình sản xuất nông nghiệp tốt-GAP cho rau an toàn theo qui định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” của đoàn kiểm tra đánh giá sản xuất rau an toàn theo chứng nhận VietGAP. Được biết đây là đợt kiểm tra đánh giá lần 2 đối với các mô hình sản xuất rau an toàn theo chứng nhận VietGAP được Công ty ATDC Đà Lạt triển khai với sự hỗ trợ của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Dak Lak. Song song với việc phỏng vấn nông dân là kiểm tra, đánh giá 65 chỉ tiêu yêu cầu về qui hoạch sản xuất rau; về mối nguy cơ ô nhiễm hóa học, sinh học, vật lý; về giống, biện pháp xử lý chất thải, sử dụng phân bón, nước tưới, sử dụng thuốc BVTV, biện pháp quản lý sâu bệnh, kho chứa thuốc, phân, biện pháp bảo quản, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch… sau khi đã tiến hành các đợt kiểm tra đánh giá nội bộ theo qui định. Công ty ATDC Đà Lạt cũng đã mời Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt tiến hành lấy mẫu rau tươi phân tích để đánh giá các chỉ tiêu nội chất bên trong sản phẩm. Được biết, cùng đợt công nhận tiêu chuẩn VietGAP với HTX Thuận Hòa còn có các HTX Toàn Thịnh (Cư M’gar) và Ninh Thanh (Ea Kar).

Có thể nói, với việc mạnh dạn, tiên phong xây dựng mô hình phát triển sản xuất rau an toàn theo chứng nhận VietGAP tại 3 HTX chuyên canh rau của Dak Lak là HTX Thuận Hòa, HTX Toàn Thịnh và HTX Ninh Thanh của Công ty ATDC, qua hơn nửa năm triển khai thực hiện theo qui trình, đến nay có thể khẳng định sự thành công của các mô hình qua kết quả phân tích sản phẩm rau tươi và đánh giá các tiêu chí đáp ứng được những yêu cầu đề ra theo qui định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và năng suất tăng so với sản xuất theo truyền thống từ 6-8%.

Để đạt được những kết quả như mong đợi, Công ty ATDC đã tiến hành các bước thực hiện hết sức chặt chẽ từ việc khảo sát, kiểm tra và đánh giá các điều kiện vùng sản xuất rau bảo đảm phù hợp với những quy định, tiêu chuẩn cần thiết cho mô hình sản xuất rau theo chứng nhận VietGAP tại 3 vùng trồng rau. Đơn vị tư vấn đã tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước phân tích các chỉ tiêu đối và điều tra, đánh giá trình độ, kinh nghiệm sản xuất của nông dân, ảnh hưởng của thời tiết khí hậu đến sản xuất rau và tình hình kinh doanh rau hiện nay của Dak Lak, qua đó có cái nhìn toàn diện tình hình cơ bản của vùng dự án đồng thời có cơ sở điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật áp dụng cho phù hợp với kế hoạch thực hiện mô hình. Sau điều tra khảo sát, đơn vị tư vấn đã chọn được 30 hộ nông dân sản xuất rau có diện tích tập trung tại 3 địa điểm đã chọn và tiến hành hợp tác cam kết tham gia, thực hiện nghiêm túc mô hình trình diễn trong suốt quá trình sản xuất. Đơn vị ATDC chuyển giao qui trình kỹ thuật về sản xuất rau an toàn (từ làm đất, chọn giống, bón phân, tưới tiêu, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế….) cho từng hộ và bố trí các kỹ sư chuyên ngành “nằm vùng” để theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn từng tác động trong quá trình thực hiện sản xuất rau an toàn. Công ty cũng đã tổ chức tập huấn các lớp TOT ngắn hạn (đào tạo đội ngũ cán bộ để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật của VietGAP) cho các địa phương có sản xuất chuyên canh rau và tổ chức tập huấn các biện pháp sản xuất rau an toàn cho nông dân trong và ngoài Dự án. Và một hoạt động thiết thực đối với nông dân sản xuất rau an toàn là mới đây, Công ty ATDC Đà Lạt phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số ban ngành liên quan tổ chức Hội nghị khách hàng nhằm tạo điều kiện cho nông dân sản xuất rau an toàn kết nối với các doanh nghiệp, các đơn vị, nhà hàng, siêu thị (Co.opMart, Metro, Vinatex), các đơn vị trường học… trong và ngoài tỉnh cùng ký kết thực hiện việc bảo vệ thương hiệu và uy tín trong thu mua, phân phối sản phẩm rau an toàn. Đây là lần đầu tiên “bốn nhà”: nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông cùng phối hợp, góp tiếng nói chung trong việc tìm đầu cho sản phẩm rau an toàn – một bài toán nan giải mà “các nhà” đang đi tìm đáp số trong thời gian qua. Đây cũng là lần đầu tiên sản phẩm của bà con tại một số HTX chuyên canh rau trên địa bàn tỉnh được cơ quan chức năng công nhận là an toàn và được giới thiệu đến các nhà phân phối uy tín trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện để bà con đặt tâm huyết của mình vào sản xuất, tạo một nguồn rau an toàn trên thị trường.

Việc thực hiện sản xuất rau an toàn theo chứng nhận VietGAP đã khó nhưng việc duy trì,  ổn định và bảo vệ thương hiệu rau an toàn trong thời gian tới còn khó hơn gấp nhiều lần vì giá trị của chứng nhận VietGAP chỉ có thời hạn một năm và sau đó tái cấp nếu các đợt kiểm tra đột xuất, định kỳ của các cơ quan chuyên  ngành đạt được các tiêu chí qui định. Và để phát triển nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn theo chứng nhận VietGAP, tạo “đầu ra” ổn định bền vững cho nông dân sản xuất rau tại Dak Lak, vẫn còn nhiều việc phải làm: từng bước qui hoạch tập trung vùng sản xuất rau, các trang trại, HTX chuyên canh rau; phát triển hệ thống sản xuất và phân phối các loại giống rau (rau ăn lá, ăn quả, ăn thân, ăn củ, các loại rau cao cấp); chuyển giao tiến bộ KHKT, đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tuyên truyền cảnh báo về tác hại của việc sử dụng sản phẩm rau không an toàn, tạo điều kiện phát triển các cửa hàng phân phối rau an toàn cho mỗi địa phương và các chợ đầu mối, dần dần tạo sự gắn kết giữa người sản xuất  rau an toàn và người tiêu dùng…

Một tin vui cho các nhà sản xuất rau an toàn là mới đây, Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột có buổi làm việc cùng ông Shiokawa Minoru, người Nhật Bản, Giám đốc Công ty Nico Nico Yasai, cùng Ban chủ nhiệm HTX sản xuất rau an toàn Thuận Hòa và đại diện nông dân trực tiếp sản xuất về việc ký kết hợp đồng cho mô hình sản xuất rau hữu cơ để tạo vùng nguyên liệu rau hữu cơ cung ứng bền vững. Quy trình sản xuất rau hữu cơ mà ông Shiokawa Minoru yêu cầu không khó đối với các nông dân đang sản xuất từ VietGAP chuyển sang hữu cơ; trong khi giá mua rau hữu cơ mà Công ty Nico Nico Yasai đưa ra gấp 4-5 lần so với giá các siêu thị đặt hàng, nhưng bước đầu số lượng chưa nhiều (vì đang thực hiện mô hình). Đến khoảng đầu tháng 12-2012 có thể xuất lứa rau đầu tiên; nếu mô hình thành công có thể sẽ được nhân rộng sản xuất rau theo hướng hữu cơ của Nhật Bản trên toàn diện tích rau của HTX Thuận Hòa.

VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices - thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho sản phẩm tươi rau, quả của Việt Nam) là chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt của dây chuyền từ sản xuất đến thu hoạch và sơ chế trước khi phân phối sản phẩm. Theo VietGAP, sản phẩm rau an toàn cần phải đạt các chỉ tiêu nội chất trong từng loại rau dưới mức cho phép theo tiêu chuẩn của Tổ chức Quốc tế FAO/WHO hoặc của một số nước tiên tiến: Nga, Mỹ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng nitrat (NO3), hàm lượng một số kim loại nặng chủ yếu: Cu, Pb, Hg, Cd, As ..., mức độ nhiễm các vi sinh vật gây bệnh (E.coli, Samonella ...) và ký sinh trùng đường ruột (trứng giun đũa Ascaris). Ngoài ra sản phẩm còn đạt các chỉ tiêu hình thái như: sản phẩm được thu hoạch đúng lúc, đúng yêu cầu từng loại rau (đúng độ già kỹ thuật, thương phẩm); không dập nát, hư thối, không lẫn tạp chất, sâu bệnh và có bao gói thích hợp.

 Cẩm Lai

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.